TP.HCM cần chuẩn bị Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ra sao?

Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM.

Vào ngày 25-9 tới, TP.HCM sẽ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Những ưu tiên chính

Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM, hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IOT..

Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair cho biết, là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TP.HCM có vị thế độc đáo để tận dụng các thế mạnh hiện có đồng thời bắt nhịp với các xu hướng công nghiệp toàn cầu.

Các xu hướng toàn cầu đang tái định hình bối cảnh công nghiệp, đòi hỏi TPHCM phải thích ứng với những thay đổi này để duy trì lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Các xu hướng có ảnh hưởng nhất hiện nay là chuyển đổi số, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sự cấp thiết của phát triển bền vững.

"Thành phố nên ưu tiên 4 ngành chiến lược gồm điện tử và sản xuất công nghệ cao, kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, cuối cùng là tài chính xanh.

Xác định được các điểm mấu chốt sẽ giúp thành phố có những định hướng chiến lược để định vị mình là trung tâm đô thị hàng đầu tại Châu Á, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu" - ông Rich McClellan nói.

Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM có thể xem xét mô hình của thành phố Penang (Malaysia). Trong vài thập kỷ qua, Penang đã chuyển mình thành công từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu Đông Nam Á. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi chiến lược tập trung vào thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp vững mạnh.

Cách tiếp cận của Penang trong việc lựa chọn và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược được dựa trên một tập hợp tiêu chí rõ ràng. Chính quyền đã ưu tiên các ngành có tiềm năng xuất khẩu cao, hoạt động gia tăng giá trị, và sự tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bằng cách tận dụng vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng hiện có, Penang đã thành công trong việc thu hút các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là những ngành tận dụng lợi thế địa lý gần các thị trường trọng điểm ở châu Á.

 Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG MINH

TP.HCM hiện đang có những yếu tố quan trọng để phục vụ cho mục tiêu (C4IR) của mình. Đó là sự sẵn có của lực lượng lao động có tay nghề, cơ hội chuyển giao công nghệ, và sự phù hợp với các xu hướng thị trường quốc tế.

Bà Saskia Loer Hansen, Phó hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị, để đạt được mục tiêu C4IR, thành phố nên thu hút FDI vào các ngành có giá trị cao như công nghệ, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến.

Nâng cao chất lượng các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, thúc đẩy sự hợp tác giữa học viện và ngành công nghiệp. Phát triển lợi ích thuế, các khoản trợ cấp và quy trình thị thực đơn giản để thu hút nhân tài và đầu tư.

Kết hợp các công nghệ tiên tiến vào quy hoạch đô thị và ưu tiên tính bền vững. Sử dụng các cơ chế như Nghị quyết 98 để tăng tốc thực hiện các sáng kiến quan trọng.

Tập trung phát triển ngành vi mạch

Theo ông Bùi đào Thái Trường, Tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam, TPHCM đang có tiềm năng phát triển ngành vi mạch khi đang sở hữu một hệ sinh thái chắc chắn trong lĩnh vực này. Việc phát triển ngành vi mạch sẽ phục vụ cho mục tiêu C4IR để tạo sự tăng trưởng kinh tế bền vững cho thành phố.

"Để xây dựng một nền tảng tốt cho hệ sinh thái vi mạch và bán dẫn, thành phố tập trung xây dựng 4 cấu phần gồm tổ hợp, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó cần tham gia sâu hơn vào chu trình sản xuất và các công đoạn khác của chuỗi giá trị.

Cung cấp hạ tầng phù hợp để phát triển, thử nghiệm và triển khai các công nghệ mới trong ngành, đồng thời đảm bảo khâu phân phối và hậu cần thuận tiện. Đảm bảo có đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng mà các doanh nghiệp vi mạch có thể tận dụng ngay lập tức" - ông Trường cho biết.

Ông Rich McClellan đánh giá, TP.HCM đã có một nền tảng công nghiệp vững chắc và cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Vị trí chiến lược của thành phố và lực lượng lao động trẻ, năng động càng củng cố tiềm năng để thành phố trở thành trung tâm khu vực về sản xuất điện tử.

Ngành này phù hợp với xu hướng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và mang lại cơ hội cho sản xuất gia tăng giá trị và đổi mới, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm chất lượng cao.

Ưu tiên sản xuất công nghệ cao, bao gồm chất bán dẫn và điện tử tiêu dùng, sẽ góp phần đưa TP.HCM trở thành điểm sáng trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-chuan-bi-trung-tam-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-ra-sao-post811423.html