TP.HCM cần cơ chế đặc thù để phục hồi sau giãn cách

'Phục hồi kinh tế TP.HCM sẽ tạo tác động kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển, tăng đóng góp cho ngân sách quốc gia', PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định.

Nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế - Luật (UEL) - Đại học Quốc gia TP.HCM do PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (Phó hiệu trưởng) chủ trì, vừa công bố kết quả nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần 4”.

Trao đổi với Zing về điều kiện để TP.HCM sẵn sàng bước vào trạng thái “bình thường mới”, ông Khánh dẫn chứng kinh nghiệm của các nước và nhấn mạnh cần dựa trên hai căn cứ quan trọng là mức độ lây nhiễm và mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế.

Trong mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế, quan trọng nhất là độ bao phủ vaccine theo mục tiêu và tổng số ca bệnh thấp hơn ngưỡng năng lực chăm sóc, điều trị của hệ thống y tế.

Giãn cách xã hội bẻ gãy liên kết của kinh tế TP.HCM

- Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy tác động của đợt dịch lần thứ 4 tới TP.HCM như thế nào, thưa ông?

- Tăng trưởng diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021 ở tất cả ngành trên địa bàn TP.HCM đạt 5,46% - gấp ba lần so với 6 tháng đầu năm 2020. GRDP 6 tháng đầu năm đạt 680.328 tỷ đồng theo giá hiện hành, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Thế nhưng, làn sóng Covid-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết lĩnh vực kinh tế của TP.HCM và ngày càng trở nên trầm trọng từ tháng 6 đến tháng 8.

 PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật (UEL) - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: uel.edu.vn

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật (UEL) - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: uel.edu.vn

Giãn cách xã hội đã bẻ gãy liên kết của kinh tế TP.HCM, kể cả trong nội bộ lẫn với bên ngoài. Chỉ có 715 trong tổng số 1.527 doanh nghiệp ở KCN, KCX duy trì hoạt động được với khoảng 65.000 lao động còn đi làm trong tổng số 345.000 lao động ở khu vực này trước khi giãn cách.

Sản xuất ngưng trệ, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp đang dần suy kiệt năng lực tài chính theo thời gian giãn cách và đối mặt mới nguy cơ mất thanh khoản, thua lỗ.

Khu vực cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình vốn dĩ không hoặc rất ít tiết kiệm tích lũy đã nhanh chóng rơi vào tình trạng không đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, thậm chí hoàn toàn không còn tiền.

Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu và mức độ phục hồi sẽ khá chậm chạp nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ kịp thời.

- Theo ông, việc phục hồi kinh tế ở TP.HCM có vai trò như thế nào đối với khu vực và cả nước?

- TP.HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam với dân số chiếm 9,4% cả nước và 50,44% dân số vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ dân nhập cư chiếm 21,9% dân số TP.HCM - khoảng hơn 2 triệu người. Ước tính tổng số người đang cư ngụ tại TP.HCM khoảng 11,5-12 triệu.

Kiến tạo động lực để TP.HCM hồi phục kinh tế sẽ tạo tác động tích cực, kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng ổn định và hồi phục.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh

Những năm gần đây, GRDP của TP.HCM chiếm khoảng 24-25% của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM dao động 25-27% ngân sách quốc gia. TP.HCM giữ vai trò đầu mối chủ chốt trong chuỗi liên kết kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Nhóm nghiên cứu cho rằng ngay cả khi TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh từ 15/9, nếu không nhanh chóng kiến tạo động lực đủ lớn và kịp thời, các thiệt hại xảy ra thời gian qua sẽ tiếp tục lan tỏa.

Việc này tạo tác động tiêu cực, làm suy kiệt trầm trọng hơn năng lực tài chính ở khu vực cá nhân, hộ gia đình và khu vực doanh nghiệp của cả Nam Bộ chứ không chỉ riêng TP.HCM.

 TP.HCM đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách xã hội, "đóng băng" nhiều hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh.

TP.HCM đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách xã hội, "đóng băng" nhiều hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nếu TP.HCM chậm hồi phục kinh tế, tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng, thu ngân sách quốc gia sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Kiến tạo động lực để TP.HCM hồi phục kinh tế sẽ tạo tác động tích cực, kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam cùng ổn định và hồi phục.

Mức độ thiệt hại kinh tế ở TP.HCM là chưa có tiền lệ

- N hóm nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM . Vì sao phải cần cơ chế đặc thù?

- Tính chất và mức độ thiệt hại kinh tế TP.HCM là chưa có tiền lệ. Các tổn thương là nghiêm trọng, tiếp tục theo chiều hướng ngày một xấu đi khi dịch bệnh vẫn diễn ra và giãn cách vẫn phải duy trì.

Sự bất thường của thiệt hại do dịch bệnh bất thường gây ra đã vượt khỏi khuôn khổ được xác định trong cơ chế áp dụng cho TP.HCM hiện nay. Vì vậy, TP.HCM cần được bổ sung thêm một số các đặc thù mới.

Các khuyến nghị mà chúng tôi đưa ra không chỉ là các đề xuất mang tính đặc thù đối với các khoản hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp mà quan trọng hơn thế là cơ chế để TP.HCM có đủ ngân sách đáp ứng cho các chính sách nhu cầu hỗ trợ tái thiết.

Về danh nghĩa, đây là cơ chế đặc thù áp dụng cho TP.HCM. Thế nhưng trên thực tế, đối tượng thụ hưởng cuối cùng của cơ chế này không phải chỉ riêng và dừng lại ở TP.HCM. Lợi ích cuối cùng đem lại từ cơ chế này chính là cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thậm chí là cả nước.

Bởi phục hồi kinh tế TP.HCM sẽ tạo tác động để kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển từ đó gia tăng đóng góp cho ngân sách quốc gia.

- Những cơ chế đặc thù này cụ thể là gì, thưa ông?

- Chúng tôi cho rằng trao cơ chế cho TP.HCM quan trọng hơn là cấp ngân sách, mặc dù vì tính chất khẩn cấp, nghiên cứu có đưa ra kiến nghị ngân sách Trung ương cấp bổ sung 13.200 tỷ đồng cho TP.HCM để kịp thời có nguồn chi gói an sinh cho người dân, kể cả lao động tự do từ các tỉnh hiện ở TP.HCM.

TP.HCM cần nguồn vốn lớn cho phát triển hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số để đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc nền kinh tế.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh

Mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện chỉ hơn 2%/năm là khá thuận lợi để Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu và dùng nguồn vốn này phân bổ cho TP.HCM kịp thời giải ngân các dự án đầu tư công đã phê duyệt nhưng bị tắc nghẽn do thiếu vốn.

Tác động kích thích từ đầu tư công được giải ngân kịp thời sẽ đem lại hiệu quả vượt trội chi phí lãi suất. Vì vậy, chúng tôi cho rằng TP.HCM đủ khả năng trả lãi vay nếu được cấp vốn từ nguồn này.

Phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, do đó cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế để tạo chỗ dựa vững chắc và an toàn trong điều kiện “bình thường mới”.

TP.HCM cần nguồn vốn lớn cho phát triển hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số để đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc nền kinh tế nhằm hạn chế các tác động rủi ro từ dịch bệnh trong tương lai.

Nếu được tổ chức chặt chẽ, việc TP.HCM phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho các mục đích này là khả thi và đảm bảo hiệu quả. Vì vậy, nghiên cứu đã đưa ra đề nghị Trung ương cho phép nâng trần nợ công của TP.HCM cho mục tiêu này.

Ngoài ra, trên góc độ hiệu quả trung và dài hạn, nghiên cứu cũng đưa ra đề xuất từ năm ngân sách 2022, cho phép TP.HCM được tăng tỷ lệ điều tiết từ 18% lên 23% như TP.HCM từng kiến nghị.

Nhà nước chỉ nên kiến tạo động lực cốt lõi

- Như vậy, cần thời gian bao lâu thì kinh tế TP.HCM sẽ hồi phục?

- Thật khó để trả lời chính xác cho câu hỏi này. Quan điểm của chúng tôi là mặc dù Nhà nước cần đóng vai trò then chốt cho quá trình phục hồi kinh tế, chỉ nên ở mức kiến tạo động lực cốt lõi để từ đó tạo ảnh hưởng lan tỏa.

 TP.HCM có thể mất 1-2 tháng để tái khởi động và 3-6 tháng cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Ảnh: Việt Hùng.

TP.HCM có thể mất 1-2 tháng để tái khởi động và 3-6 tháng cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Ảnh: Việt Hùng.

Ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng chính sách nên tập trung chủ yếu vào các hỗ trợ khẩn cấp cho giai đoạn tái khởi động - có lẽ sẽ mất khoảng 1-2 tháng và kéo dài đến giai đoạn hồi phục khoảng 3-6 tháng tiếp theo tùy từng đối tượng cụ thể.

Tùy tình hình thực tế trong giai đoạn hồi phục để xem xét kiến thiết tiếp các chính sách hỗ trợ hay chỉ dừng ở các chính sách đã ban hành.

- “Để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tức thời, nhóm nghiên cứu cho rằng cần đặt mục tiêu ưu tiên tốc độ hỗ trợ, chấp nhận một sự sai lệch nhất định ở đối tượng thụ hưởng”. Vì sao nhóm nghiên cứu đưa ra quan điểm này, thưa ông?

- Trong điều kiện dịch bệnh, các gói hỗ trợ mang tính khẩn cấp. Đảm bảo hỗ trợ đúng thời điểm thậm chí còn quan trọng hơn nhiều so với quy mô hay giá trị hỗ trợ.

Chẳng hạn, với một hộ gia đình không còn tiền để mua bất cứ thực phẩm thiết yếu nào, họ đang thiếu ăn thì điều cần làm là gì? Cung cấp ngay thực phẩm hoặc hỗ trợ tiền mặt hay phải thực hiện các thủ tục để xác minh họ có thuộc diện hộ nghèo, là lao động có hợp đồng bị mất việc hay lao động tự do?

Đặt ra những ràng buộc để đảm bảo không sai lệnh đối tượng thụ hưởng là rất cần thiết, xây dựng các căn cứ khách quan và đầy đủ để lượng hóa thiệt hại là rất quan trọng để xác định mức độ hỗ trợ. Nhưng, đó là trong điều kiện bình thường.

Trong tình huống khẩn cấp như lúc này, nếu không chấp nhận một sự sai lệch nhất định ở các đối tượng thụ hưởng thì có khi xong hết quy trình, người đủ điều kiện có thể đã không còn để thụ hưởng.

- Xin cảm ơn ông!

Hoài Thu thực hiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-can-co-che-dac-thu-de-phuc-hoi-sau-gian-cach-post1260346.html