TP HCM: Cần lộ trình cho bảng giá đất điều chỉnh

Các chuyên gia cho rằng xây dựng bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP HCM là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần lộ trình hợp lý

Chiều 12-8, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020 của UBND TP HCM về bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến để bảo đảm ban hành bảng giá đất đúng quy định pháp luật. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến để bảo đảm ban hành bảng giá đất đúng quy định pháp luật. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hướng tới công bằng, minh bạch

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, đánh giá Quyết định 02 đến nay phát sinh nhiều bất cập, không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, bảng giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường; phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 8 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài (5 năm), khó cập nhật biến động thị trường; thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm…

Bộ Tài chính vừa cho hay bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31-12-2025.

Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh trên cơ sở của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế. Trình tự điều chỉnh căn cứ quy định tại điều 17 Nghị định số 71/2024.

Bà Thúy hy vọng bảng giá đất mới được áp dụng góp phần thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án như đường Vành đai 3, rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi bởi giá mới tiệm cận thị trường, các mức hỗ trợ, bồi thường đều sẽ tăng nên dễ nhận được đồng thuận của người dân.

Ngoài ra, việc áp dụng bảng giá đất mới góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thị trường ngày càng minh bạch cũng như công bằng khi người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cần hài hòa lợi ích

Phát biểu ý kiến, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng bảng giá đất điều chỉnh phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Ông thông tin tại các huyện ngoại thành giá đất dự kiến điều chỉnh tăng cao, đặc biệt huyện Hóc Môn có nơi giá đất dự kiến điều chỉnh tăng 30-50 lần.

Hay như tại quận 4, đất trên đường Bến Vân Đồn đoạn từ Cầu Dừa đến Nguyễn Tất Thành có giá từ 24 triệu đồng/m2 dự kiến điều chỉnh tăng lên 271,2 triệu đồng/m2, kéo theo đó là nghĩa vụ tài chính đối với đất đai cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng của nhiều người dân.

Ngoài ra, nhiều gia đình qua nhiều thế hệ ở huyện Bình Chánh, Củ Chi vẫn chưa đủ tiền tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để chia cho con. Nếu theo dự thảo, nhiều nơi giá đất tăng hàng chục lần sẽ gây khó khăn cho họ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội nghị Ảnh: QUỐC ANH

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội nghị Ảnh: QUỐC ANH

Cũng theo luật sư Hậu, giá đất tăng thì chi phí đầu tư tăng, kéo theo chi phí bồi thường cao, làm dự án đầu tư công, tư, chi phí đầu vào đều tăng.

"Giá đất tăng cũng tác động bất lợi tới dự án nhà ở xã hội khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất làm dự án. Vì vậy, việc xây dựng bảng giá đất cần thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp, đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện" - luật sư Hậu kiến nghị.

Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng điều chỉnh giá đất theo hướng tiệm cận thị trường là cần thiết. Tuy vậy, điều cần làm rõ là tăng giá đất thời điểm nào, đồng loạt hay có lộ trình. Bà kiến nghị điều chỉnh bảng giá đất cần làm từng bước, xác định nơi nào, khu vực nào, trường hợp nào cần làm ngay và trường hợp nào cần thêm thời gian nghiên cứu. Khi tăng cần có lộ trình, điều tra sâu rộng để lắng nghe người dân, doanh nghiệp bị tác động.

Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP HCM, cho rằng trong quá trình xây dựng bảng giá đất cần khảo sát kỹ lưỡng để có bảng giá đất chuẩn, sát. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tính toán lộ trình hài hòa hơn, chia các mốc thời gian áp dụng phù hợp.

Sẽ có bảng giá đất phù hợp

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nhất trí việc ban hành bảng giá đất. Tuy nhiên theo bà, cần có thời gian cho người dân phản biện, từng quận, huyện tổ chức phản biện giá đất trên địa bàn thì sát thực tế hơn.

Bà Ung Thị Xuân Hương cho biết hiện nay có tình trạng các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất có liên quan nghĩa vụ tài chính khi chuyển qua cơ quan thuế từ ngày 1-8 được thông báo phải chờ hướng dẫn. Theo bà, việc ngưng giải quyết hồ sơ cho người dân lúc này là hoàn toàn không đúng, vì vậy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND TP HCM việc này.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn, nói hiện nay còn nhiều trường hợp người dân chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu mà áp dụng giá mới thì người dân không đi và sau này sẽ xảy ra tranh chấp đất đai. "Gia đình sử dụng đất ổn định 24 năm rồi chưa làm giấy được, mà theo giá mới thì không thể làm vì quá cao, tiền đâu mà đóng" - ông Dũng dẫn chứng tình huống.

Bà Hoàng Thị Lợi, Ủy ban MTTQ quận 1; bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TP HCM, chung quan điểm việc tăng giá đất là cần thiết nhưng cần lộ trình và công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận. Trong đó, bà Lợi nhấn mạnh ý Sở Tài nguyên và Môi trường và quận, huyện cần điều tra kỹ lưỡng, chu đáo.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin xét thấy bảng giá đất thấp so với giá thực tế nên cần thiết điều chỉnh. Việc này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Bảng giá đất điều chỉnh cập nhật gần 1.300 vị trí được duyệt giá bồi thường tại các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố và đó là lợi ích của người dân. Đơn vị tư vấn đã thu thập 97.000 giao dịch, sử dụng nhiều phương pháp để đưa ra mức giá phù hợp.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUỐC ANH

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUỐC ANH

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay tiếp thu ý kiến của các đại biểu để rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động, bảo đảm ban hành bảng giá đất đúng quy định pháp luật. Đối với trường hợp người dân đi làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất thì tùy theo thời điểm, thời gian sử dụng đất mà có mức thu, trong đó có trường hợp chỉ thu 10%-40% bảng giá đất.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định cho phép người dân nợ tiền sử dụng đất, những trường hợp tách thửa cho con được nợ tiền.

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu và kiến nghị chính sách đối với trường hợp người dân nằm trong quy hoạch "treo", nhóm 13.000 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu.

"Các đại biểu lưu ý lộ trình thời gian và phương thức, cách làm… sở xin tiếp thu, bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ để năm 2026 có bảng giá đất phù hợp" - ông Thắng nói.

4 trường hợp cần quan tâm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm 4 trường hợp.

Thứ nhất, trường hợp cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở, trong đó có 13.035 thửa đất mà người sử dụng đất chưa được cấp "Giấy chứng nhận lần đầu".

Thứ hai, trường hợp xin "hợp pháp hóa" quyền sử dụng đất ở đối với diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nằm xen kẽ trong đô thị, khu dân cư nông thôn gắn liền với nhà ở (phần diện tích này đã có "sổ hồng") trong cùng thửa đất.

Thứ ba, trường hợp xin "tách thửa đất" đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành "đất ở" để chia cho con cháu.

Thứ tư, trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhà, đất nằm trong các khu vực "quy hoạch treo". Trường hợp này, ông Châu dẫn chứng điển hình là dự án Bình Quới - Thanh Đa nhiều năm người dân bị treo các "quyền" của người sử dụng đất mà nếu tới đây được "xóa treo" thì lại tiếp tục "thiệt thòi, thua thiệt" lần thứ 2 khi phải đóng tiền sử dụng đất rất cao theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh.

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa Ảnh: QUỐC ANH

QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-lo-trinh-cho-bang-gia-dat-dieu-chinh-196240812214822002.htm