TP. HCM cân nhắc mở cửa trường mầm non: Cần nhưng chưa phải lúc này

Sở GD-ĐT TP. HCM đang tính đến chuyện rà soát các trường mầm non về điều kiện đón trẻ trở lại, để đưa ra phương án thích hợp. Song, đây vẫn còn là một bài toán nan giải.

Trong dự thảo mở cửa trường mầm non, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, Sở đang tính toán, trước khi trẻ đến trường, các địa phương sẽ rà soát trường mầm non đủ điều kiện đón trẻ, chuẩn bị phương án phân công các trường mầm non công lập tiếp nhận trẻ khi các cơ sở mầm non ngoài công lập giải thể, không đủ điều kiện hoạt động. Các quận, huyện cũng đang lên kế hoạch làm sao để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho phụ huynh.

TP. HCM tính đến chuyện mở cửa trường mầm non. Tuy nhiên, điều này còn khá nhiều bất cập.

Bài liên quan

TP. HCM: Bỏ cuộc sau nhiều tháng gồng gánh, hàng loạt cơ sở mầm non tư thục được rao bán

TP. HCM: Trẻ mầm non được hỗ trợ học phí đến 200.000 đồng/tháng

Gần 100 trường mầm non tư thục ‘kêu cứu’, Sở GD-ĐT TP. HCM nói gì?

Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Còn bất cập và rủi ro

Không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng trước thông tin hàng loạt cơ sở mầm non đóng cửa. Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, chị Ngọc Yến (ngụ quận 4, TP. HCM) cho biết, hiện tại chồng chị đã đi làm. Ở nhà, chỉ có chị và mẹ chồng chăm nom hai bé. Con của chị bé nhỏ 10 tháng tuổi, bé lớn đã 5 tuổi. Với tình hình dịch bệnh như hiện tại, các trường chưa mở cửa, chị phải nghỉ làm để ở nhà trông con.

Nhiều phụ huynh chọn nghỉ việc để ở nhà trông con do tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, trường mầm non chưa mở cửa.

“Tôi không thể bỏ con ở nhà mà đi làm được, một mình bà chăm hai bé không xuể. Các trường chưa mở cửa thì mình phải chịu nghỉ làm ở nhà trông con. Trong thời điểm dịch bệnh còn căng thẳng, dù có mở cửa tôi cũng chưa có ý định cho con đi học lại. Tôi dự định sẽ cho bé lớn nghỉ học, đợi khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì mới cho đi học. Nhưng không biết tới bao giờ mới hết dịch và đến lúc đó còn chỗ để gửi con không”, chị Yến nói.

Theo báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học 2021-2022 của Sở GD-ĐT TP. HCM, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (124 nhóm trẻ và 27 trường) phải giải thể, ngưng hoạt động. Điều này làm ảnh hưởng đến hơn 800 giáo viên, công nhân viên. Trong đó, hơn 590 người mất việc ở các cơ sở mầm non tư thục.

PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc (Cựu Phó khoa Y, Cựu chủ nhiệm Bộ môn Nhi Đại học Y dược) cho biết, mở cửa trường mầm non trên địa bàn thành phố là cần thiết. Thực tế, nhu cầu gửi trẻ là có và rất nhiều người phải nghỉ việc để ở nhà trông con vì trường chưa mở cửa. Song, việc mở cửa trường mầm non vẫn còn nhiều rủi ro và bất cập.

PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc (Cựu Phó khoa Y, Cựu chủ nhiệm Bộ môn Nhi Đại học Y dược)

“Cần nhưng chưa gấp và cũng chưa phải ngay lúc này. Mở cửa cũng tùy vào nhu cầu của phụ huynh, có người muốn gửi con để đi làm, nhưng cũng có người do dịch bệnh nên chưa dám gửi. Thử hỏi nếu mở cửa, chỉ có một nửa phụ huynh cho con đi học thì các cơ sở giáo dục này sẽ gặp khó khăn vì nguồn thu giảm. Mở cửa thì phải có người học, chúng ta phải xác định điều đó trước”, bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ nói thêm, đánh giá về mặt y tế, khi mở cửa trường mầm non không ai chắc chắn sẽ không có trẻ bị nhiễm Covid-19. Trẻ có thể bị lây nhiễm từ giáo viên, từ bạn chung lớp, từ những nguồn lây không xác định xung quanh.

“Thực tế rất ít trẻ nhiễm Covid-19 trở nặng hay tử vong, nhưng không phải là không có. Phụ huynh liệu có chấp nhận rủi ro này không? Hiện tại trẻ nhỏ vẫn chưa được tiêm vaccine, vậy ai sẽ đảm bảo điều này không xảy ra?”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Bên cạnh đó, kế hoạch mở cửa trường vẫn chưa có gì rõ ràng. Cho trẻ đi học lại tại các cơ sở mầm non, trong trường hợp phát hiện trẻ là F0, trường có lại đóng cửa cơ sở? Nếu trường chọn đóng cửa thì việc cho cơ sở mầm non hoạt động là… vô nghĩa và như một vòng lặp mở - đóng.

Kế hoạch phải rõ ràng, đề xuất tiêm mũi 3 vaccine ngừa Covid-19 cho giáo viên

Theo bác sĩ Minh Phúc, kế hoạch chuẩn bị, kiểm soát và ứng phó phải thật rõ ràng. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà Sở Y tế hướng dẫn, các trường phải được tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt.

“Trong trường hợp phát hiện trẻ là F0, trường phải biết cách xử lý nhanh chóng và thích hợp. Các trường nên làm theo các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp,… rằng sẽ không đóng cửa khi phát hiện F0, mà chỉ cho F0 và F1 tạm nghỉ học. Sau đó truy vết, không có vấn đề thì cho các em học khác bình thường. Còn nếu phát hiện F0 mà đóng cửa trường, theo tôi ngay từ đầu không cần mở cửa làm gì”, bác sĩ Phúc nói.

PGS.TS. cho rằng, để mở cửa cơ sở mầm non, TP. HCM nên tiêm nhắc mũi 3 vaccine ngừa Covid-19 cho các giáo viên. Được biết, các giáo viên là một trong những đối tượng được tiêm vaccine sớm nhất. Giáo viên được tiêm đủ 2 mũi trễ nhất cũng đã 3 tháng trước. Điều này đồng nghĩa với việc, kháng thể của họ đã giảm, nguy cơ nhiễm bệnh cao.

“Còn rất nhiều việc mà các phòng giáo dục, quận, huyện phải tính toán thật kỹ. Theo đánh giá của tôi, có thể hết học kỳ I năm học 2021-2022, địa phương mới có đủ thời gian, cơ sở cho mở cửa trường. Các ca mắc ở thành phố đang có xu hướng tăng trở lại, cho mở cửa lại cơ sở mầm non, chúng ta vẫn chưa thể đảm bảo an toàn cho các em”, bác sĩ Phúc đề xuất.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-can-nhac-mo-cua-truong-mam-non-can-nhung-chua-phai-luc-nay-post166325.html