Tp.HCM cần phải 'giải phóng' tư tưởng cho cán bộ, công chức

Việc chậm trễ, thái độ e ngại của cán bộ chính là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh tế của Tp.HCM quý I/2023 không đạt mục tiêu đề ra.

Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ sáng 16/4, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, đối với tình hình Tp.HCM lúc này, có 2 câu hỏi được đặt ra.

Một là, Thành phố có dự báo đúng tình hình không? Có ý kiến cho rằng Tp.HCM chưa có giải pháp để ngăn chặn, thích ứng với bối cảnh khó khăn trong và ngoài nước. Vì vậy, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm điểm, đề ra biện pháp, nghiêm túc đánh giá trách nhiệm của mình.

“Kết quả của một quý chưa nói lên tất cả nhưng cũng nói lên nhiều điều để chuẩn bị cho các quý sau”, ông Nên nói.

Câu hỏi thứ hai, theo Bí thư Thành ủy Tp.HCM, là tại sao kinh tế Thành phố sụt giảm sâu như thế. Khi kinh tế sụt giảm, có thể nhìn thấy rõ hơn sự chậm trễ, tồn đọng, yếu kém, trì trệ, đó là điều bình thường. Quan trọng là cần nhìn rõ bức tranh tổng thể, đánh giá sát vấn đề thì mới đề ra giải pháp được.

 Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên (Ảnh: VGP).

Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên (Ảnh: VGP).

Bí thư Thành ủy Tp.HCM nêu rõ, khi tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển Tp.HCM đến năm 2020, có thể thấy đà tăng trưởng của Thành phố phố đang chậm dần. Còn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tp.HCM lần thứ XI đã đưa ra 3 khâu đột phá thì bây giờ nhìn lại, 3 khâu đột phát đó chính là 3 điểm nghẽn của Tp.HCM, đó là hạ tầng kỹ thuật-xã hội; thể chế và nguồn nhân lực.

Từ đó, ông Nên cho rằng, đứng trước bối cảnh chưa từng có, phức tạp, khó lường, Thành phố cần những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

“Bộ Chính trị đã đưa ra Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ, cho phép chúng ta tìm cách để giải quyết vấn đề về phát triển. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định thực hiện Kết luận 14 trong bối cảnh tình hình hiện nay để cán bộ yên tâm hành động vì lợi ích chung”, Bí thư Tp.HCM nêu.

Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc Thành phố có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có thật.

Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ, công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.

Theo ông Mãi, chậm trễ trong thực thi công vụ và thái độ e ngại của cán bộ, công chức cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến kết quả phát triển kinh tế Tp.HCM trong quý I/2023 không đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Ảnh: VGP).

Còn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của Thành phố cũng như các địa phương khác là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, công chức, những người thực hiện công vụ.

Muốn làm được điều này, phải khắc phục được tư tưởng "3 không" của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là "không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng", vừa làm, vừa nghe ngóng.

Theo Bộ trưởng, muốn khắc phục được điều này, không chỉ cần chủ trương mà còn cần có cơ chế, quy định để tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết thêm, hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí công tác của cán bộ.

Về tình trạng cán bộ ngại làm do sợ sai phạm, ông Nguyễn Duy Thăng cho rằng đây là vấn đề không chỉ của riêng Tp.HCM. Thành phố cần có chỉ thị để tháo gỡ tình trạng này.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-can-phai-giai-phong-tu-tuong-cho-can-bo-cong-chuc-a603310.html