TP. HCM cần thí điểm một cơ chế đột phá toàn diện

TP.HCM phát triển hay khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển chung của đất nước. Chính bởi vậy, một cơ chế thí điểm vượt trội không chỉ khai phóng sức phát triển của thành phố mà còn tạo sức bật mới cho sự phát triển của cả nước.

Chính sách đặc thù không còn là đòn bẩy

Sài Gòn–TP.HCM, nơi khơi nguồn các chính sách dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Từ công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay, TP.HCM luôn là địa phương đóng góp 1/4 ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đà tăng trưởng của thành phố đang chững lại, GRDP giảm liên tục trong 3 năm qua, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 vừa công bố cũng xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước, không đạt chỉ tiêu đề ra là lọt vào tốp 10. Thành phố cũng là một trong những địa phương có chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công thấp nhất.

Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Xu thế đi xuống của TP.HCM theo nhiều nghĩa. Tôi lấy ví dụ trong 3 đề án năng suất hiện nay đặt lên bàn Thủ tướng do Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình về chương trình đề án năng suất tổng thể quốc gia, một tin rất đáng buồn là tốc độ tăng năng suất có xu hướng giảm. Hai năm bị dịch thì ngay tại TP.HCM, năm 2019 và năm 2022 đều thấp hơn trung bình cả nước. Năng suất là một chỉ số rất quan trọng, đằng sau đổi mới sáng tạo, tăng trưởng".

Sự phát triển của TP.HCM ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước (Ảnh: Phạm Nguyên)

Sự phát triển của TP.HCM ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước (Ảnh: Phạm Nguyên)

Từ khi giải phóng đến nay, TP.HCM luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Từ Nghị quyết 01 năm 1982, nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về TP.HCM đến Nghị quyết số 20 năm 2002, Nghị quyết số 16 năm 2012 và 31 vào ngày 30/12/2022, TP.HCM luôn được xác định là thành phố lớn nhất nước, đầu tàu, động lực dẫn dắt kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học, đổi mới sáng tạo của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.

Với chủ trương, chính sách đúng đắn cùng những con người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, TP.HCM có những bước chuyển mình mạnh mẽ cùng công cuộc đổi mới của đất nước. Ngay ở thời điểm khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1996-2000, GRDP của TP.HCM vẫn cao nhất cả nước với 9%, đây là bản lề cho sự phát triển liên tục những năm sau đó.

Có thể nói, TP.HCM luôn dành được sự quan tâm của Trung ương, là địa phương đầu tiên thực hiện chính sách đặc thù. Sau sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết 16, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 21. Trên cơ sở kết luận này, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 năm 2017 về chính sách, đặc thù để phát triển thành phố. Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 54 là quyết sách kịp thời tạo không gian cho thành phố phát triển, tăng tính tự chủ tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo của người dân.

Tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy, mặc dù TP.HCM đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với thực tiễn, chính sách đặc thù đã không còn là đòn bẩy. Cùng với những khó khăn do tình hình thế giới, những “rung lắc” trong công tác cán bộ thời gian qua khiến sự phát triển của thành phố bị mất đà.

TP.HCM đầu tàu kinh tế của cả nước đang chững lại (Ảnh: Phạm Nguyên)

TP.HCM đầu tàu kinh tế của cả nước đang chững lại (Ảnh: Phạm Nguyên)

Khai phóng sức phát triển

Lần đầu tiên, mức tăng trưởng trong một Quý của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong bối cảnh đó, Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Đánh giá một cách thẳng thắn, sự mất đà trong phát triển của thành phố do thiếu thể chế phù hợp, thiếu cơ chế phát huy tính năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ...

Gợi ý, tháo gỡ những khó khăn cho TP.HCM về sản xuất, kinh doanh, các chính sách thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Tạo môi trường, hành lang pháp lý cho cán bộ làm việc. Động viên khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung. Các bộ các ngành của Chính phủ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình chủ động giải quyết với TP.HCM. Ngược lại TP.HCM chủ động giải quyết với các bộ các ngành. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với tinh thần cả nước vì TP.HCM và TP.HCM vì cả nước".

Một cơ chế vượt trội để phát huy sự sáng tạo, đột phá của TP.HCM (Ảnh: Phạm Nguyên).

Một cơ chế vượt trội để phát huy sự sáng tạo, đột phá của TP.HCM (Ảnh: Phạm Nguyên).

Chính phủ đã có tờ trình dự thảo một Nghị quyết mới về TP.HCM gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo tờ trình, mục tiêu đặt ra là xây dựng các cơ chế vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Cái chính và quan trọng nhất thành phố xin là cơ chế thí điểm. Cơ chế thí điểm phù hợp với thời đại này, phù hợp với vai trò của thành phố. Sự đóng góp của thí điểm là cực kỳ lớn và cực kỳ đáng giá".

Lịch sử phát triển TP.HCM gắn với đổi mới, sáng tạo, nơi mở đầu câu chuyện “phá rào”, “xé rào” thời bao cấp, từ đó góp phần cùng đất nước mở ra thời kỳ phát triển mới. Sau 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 37 năm đổi mới, ở trong thời điểm này, TP.HCM cần thí điểm một cơ chế đột phá toàn diện, thí điểm một chính sách vượt trội không chỉ khai phóng sức phát triển mới của riêng TP.HCM, mà còn để tạo sức bật mới cho sự phát triển của đất nước./.

Việt Đức/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tp-hcm-can-thi-diem-mot-co-che-dot-pha-toan-dien-post1016647.vov