TP.HCM: Chặn đà suy giảm của 4 ngành công nghiệp trọng điểm

Liên tục trong nhiều tháng, chỉ số tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM liên tục thấp hơn cùng kỳ. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đã phải yêu cầu Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế TP.HCM tìm hiểu rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Chỉ số của ngành cơ khí tăng so với cùng kỳ, nhưng sản xuất xe có động cơ giảm

Chỉ số của ngành cơ khí tăng so với cùng kỳ, nhưng sản xuất xe có động cơ giảm

Theo thống kê của các cơ quan chức năng TP.HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm ước tăng 7,1%, mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ 2018 tăng 7,51%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM ước tăng 6,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,31%), trong đó ngành điện tử-công nghệ thông tin tăng 24,2%; cơ khí chế tạo tăng 9,4% (cùng kỳ tăng 10,1%); hóa chất-cao su-nhựa giảm 0,7% so với cùng kỳ (tăng 3,66%); ngành chế biến lương thực-thực phẩm ước tăng 0,4% (cùng kỳ tăng 7,34%).

Theo lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm chủ yếu do nhóm ngành “chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt” giảm so với cùng kỳ năm 2018 xuất phát từ làn sóng dịch chuyển nhà máy của các DN sang những tỉnh lân cận và sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm. Những DN đã dịch chuyển khỏi TP.HCM có thể kể tới như CTCP Uniben, CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre, CTCP Sữa Việt Nam… Ngay cả CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) - một DN chế biến thực phẩm lâu đời của TP.HCM cũng đang đầu tư hẳn một cụm công nghiệp sản xuất chế biến với số vốn lên tới 1.500 tỷ đồng để chuyển về tỉnh Long An. Ngoài ra, một số DN sản xuất trứng gia cầm cũng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ sở sản xuất về các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương…

Trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng của ngành cao su nhựa tăng trưởng không cao, các sản phẩm dân dụng có mức tiêu thụ tốt. Ngoài ra, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giúp cho các DN TP.HCM có thêm đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nên xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá. Đồng thời giá nguyên liệu đầu vào giảm (nhu cầu nguyên liệu nhựa thế giới giảm) trong khi giá thành sản phẩm nhựa ổn định giúp các DN thuận lợi trong sản xuất. Tuy nhiên, một số sản phẩm của ngành cao su nhựa tăng trưởng chậm và giảm sản lượng như nhựa bao bì, chai nhựa do phong trào bảo vệ môi trường, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cộng đồng. Đồng thời do vấn đề bảo vệ môi trường và chi phí sản xuất nên các DN chỉ ổn định sản xuất trên địa bàn thành phố, khi đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng mới thì chuyển về các tỉnh khác do đó sản lượng không tăng nhiều.

Các ngành truyền thống như dệt may đơn hàng tăng chậm khoảng 10% (năm 2018 tăng 18%). Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường tiêu thụ ngành dệt may không có biến động, sức tiêu dùng không tăng. Cũng vậy, ngành da giày với sản xuất da và các sản phẩm có liên quan gần đây giảm chủ yếu do nhóm ngành “sản xuất giày, dép” giảm, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam là DN lớn nhất TP.HCM có số lượng đơn hàng giảm so với cùng kỳ năm 2018, do vậy sản lượng sản xuất giày dép của công ty giảm theo. Dự báo trong quý III xuất khẩu có tăng nhưng không đáng kể, thị trường tiêu thụ nội địa giảm do người tiêu dùng ít mua hàng, do chiến tranh thương mại nên phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc tràn lan giá thấp hơn hàng Việt Nam.

Trong khi đó, dù chỉ số của ngành cơ khí tăng so với cùng kỳ, nhưng sản xuất xe có động cơ giảm do nhóm ngành “sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ” giảm vì một số DN sản xuất phụ tùng chuyển về tỉnh Bình Dương và sáp nhập với các công ty khác. Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 6 tháng đầu năm 2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước (CKD) giảm 16% trong khi xe nhập khẩu tăng 169% so với cùng kỳ. Do đó sản lượng sản xuất ô tô của ngành “sản xuất xe có động cơ” giảm so với cùng kỳ 2018. Ghi nhận của Sở Công thương TP.HCM, các DN cho rằng ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn (xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị) trong khi thu hồi vốn chậm, thời gian khấu hao máy móc thiết bị chậm (15-20 năm), chu kỳ sản xuất không ổn định như sản phẩm tiêu dùng.

Lý giải phần nào việc các DN lớn tìm đến tỉnh lân cận, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao TP.HCM đã lấp đầy tương đối, không còn đất trống diện tích lớn để đón DN đầu tư lớn. “Giờ kiếm đất trống 10-20 ha trong các khu này đã khó thì làm sao có vài chục ha cho DN lớn thuê. Để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, TP.HCM cần phải tính toán giảm giá cho thuê đất. Nếu không, khả năng thu hút đầu tư vào sản xuất của thành phố sẽ ngày càng giảm, thu ngân sách từ nguồn này ngày càng thấp”, ông Đông nói.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo chỉ số tăng trưởng công nghiệp của thành phố cả năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các nhà hoạch định chính sách, DN cần bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản ứng phó cụ thể. “Sở Công thương cần chủ động làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển của thành phố để phân tích nguyên nhân cụ thể và có giải pháp. Về lâu dài, thành phố thực hiện phương án dịch chuyển DN vào khu chế xuất, khu công nghiệp với điều kiện hoạt động ổn định hơn. Sở Công thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn cho DN sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện phát triển, ứng dụng công nghệ thúc đẩy danh mục sản phẩm chủ lực trong thời kỳ 4.0. Đồng thời, thực hiện nhiều gói chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực…”, ông Phong chỉ đạo cụ thể.

Bài và ảnh Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tphcm-chan-da-suy-giam-cua-4-nganh-cong-nghiep-trong-diem-92763.html