TP.HCM chuẩn bị đón đầu hiệp định thương mại tự do với châu Âu
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở, ngành có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội cho mặt hàng chủ lực trước khi Hiệp định Thương mại tự do VN - EU có hiệu lực.
Ngày 18/2, tại buổi họp tình hình kinh tế xã hội tháng 1 và triển khai một số nhiệm vụ tháng 2 năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành cần có kế hoạch để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vừa được Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu thông qua.
"Hiệp định Thương mại tự do sẽ là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh và là cơ hội đối với các mặt hàng sản xuất. Chúng ta cần có chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực để đón đầu và cần có đề án chiến lược về logistic", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Công Thương sớm hoàn thiện kế hoạch, đề án trên và hoàn thiện đề án về thương mại điện tử của TP để báo cáo trong quý I.
Trước khi Quốc hội phê duyệt những hiệp định này, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị của thành phố rà soát lại các chính sách cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của các mặt hàng chủ lực.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM thông tin hàng năm, TP nhận hơn 5 tỷ USD kiều hối từ các kiều bào nước ngoài, trong đó 72% được dùng cho đầu tư sản xuất. Để tận dụng tốt nguồn lực này, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm định hướng đầu tư hợp lý.
"Nhiều dự án chỉ 1 tỷ USD mà chúng ta mất rất nhiều thời gian mới phê duyệt được. Vậy mới thấy con số 5 tỷ USD là rất lớn và cần có định hướng sử dụng hợp lý", ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/2 đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EU). EVFTA và EVIPA sẽ là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới phê chuẩn.
"65% thuế quan hàng xuất khẩu của EU tới Việt Nam sẽ được loại bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, trong khi số còn lại sẽ được loại bỏ dần dần trong thời gian 10 năm", Hội đồng Châu Âu cho hay trong một thông cáo hồi tháng 6/2019.