TP.HCM chuẩn bị phương án học trực tuyến hết học kỳ 1
Các trường xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, chuẩn bị chu đáo phương án dạy học trên Internet đến hết học kỳ 1, nhất là với các khối lớp 1, lớp 2, đầu cấp và cuối cấp.
Chiều 19-8, UBND TP.HCM đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học.
Theo đó, học sinh THCS và THPT sẽ được hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học trực tuyến và củng cố kiến thức từ ngày 1 đến 5-9, bắt đầu học kỳ 1 từ ngày 6-9. Ở bậc tiểu học, học sinh bắt đầu tổ chức lớp từ ngày 8-9, bắt đầu học kỳ 1 từ ngày 20-9.
Đón năm học mới bộn bề khó khăn
Chiều 19-8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin năm học mới, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết hiện TP có 249 trường đang dùng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, chích ngừa; 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.
Bên cạnh nhiều trường học được trưng dụng cho phòng dịch, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, nhiều cơ sở mầm non tư thục giải thể. Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, công tác tuyển dụng giáo viên đều bị chậm hơn so với dự kiến. Công tác phát hành sách giáo khoa, nhất là cho các khối lớp 1, 2, 6 chưa được nhà xuất bản hoàn thành.
Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch năm học, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, năm học mới tại TP.HCM không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Ngành giáo dục đã xây dựng các phương án học sinh học qua Internet, chỉ đạo các trường xây dựng bài giảng trên môi trường Internet cho cả học kỳ 1, trong đó tập trung cho các khối lớp 1, 2, lớp đầu cấp và cuối cấp.
Riêng bậc mầm non, do đặc thù phải dạy và học trực tiếp nên có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc phổ thông.
Thừa nhận việc học trên Internet đối với khối lớp 1, 2 rất khó khăn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nói: “Dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm và có giải pháp. Từ đầu tháng 8, sở đã có kế hoạch tập huấn cho giáo viên, triển khai xây dựng clip, đoạn phim để học sinh xem và phụ huynh hỗ trợ trong thời gian đầu năm học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong buổi tổng kết năm học bậc giáo dục tiểu học, bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết trong tình hình khó khăn, nội dung sẽ được cô đọng, tinh gọn lại và tập trung giảng dạy chủ yếu, cơ bản.
Khi TP kiểm soát tốt dịch bệnh, trường học dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch, ngành giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ cho khối lớp 1, 2, các lớp đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lên”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đối với những trường hợp học sinh về quê bị mắc kẹt do dịch, nếu có nhu cầu ở lại học luôn, sở sẽ liên hệ với các địa phương để tạo điều kiện cho các em làm hồ sơ chuyển trường. Ngược lại, trường hợp học sinh các tỉnh bị mắc kẹt ở TP, sở cũng tạo điều kiện để các em học online trong thời gian ở đây.
Tăng chỉ tiêu lớp 10 chuyên, điều chỉnh tuyển sinh lớp 6 Trần Đại Nghĩa
Do tình hình dịch bệnh, kỳ thi tuyển sinh 10 đã phải hoãn và thay thế bằng phương thức xét tuyển vào lớp 10 chuyên. Theo lãnh đạo sở, việc thay đổi phương án là giải pháp tình thế, được căn cứ trên các quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, việc thay đổi từ thi tuyển sang xét tuyển tác động đến tâm lý lo lắng của một số phụ huynh. Ngoài ra, việc lựa chọn theo phương án xét tuyển có thể chưa phát hiện hết các học sinh có năng khiếu so với việc tổ chức thi tuyển. Bên cạnh đó, việc tổ chức tuyển bổ sung theo quy định vào cuối học kỳ 1 năm nay khó có thể thực hiện.
Vì thế, để tạo sự đồng thuận của xã hội cũng như bổ sung thêm nguồn học sinh có năng lực, Sở GD&ĐT đã trình và được UBND TP đồng ý về việc bổ sung chỉ tiêu lớp 10 chuyên.
Theo đó, UBND TP cho phép Sở GD&ĐT xét tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu được giao và tuyển thêm 10% chỉ tiêu tuyển sinh vào các lớp 10 chuyên và các lớp 10 không chuyên trong trường THPT chuyên năm học 2021-2022.
Học sinh được tuyển bổ sung sẽ không được hưởng chính sách tài chính của học sinh chuyên nếu sĩ số vượt quá 35 em/lớp.
Kết thúc năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, sàng lọc các học sinh đang theo học lớp 10 chuyên nhưng không đủ khả năng tiếp tục chương trình để đảm bảo chất lượng.
Tương tự như tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, công tác tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng phải điều chỉnh từ phương án khảo sát sang xét tuyển.
Trong quá trình xét tuyển, do đa phần học sinh đăng ký tuyển sinh có kết quả học tập xuất sắc, có 1.560 học sinh đạt 60 điểm tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn tiếng Việt - toán lớp 3, 4, 5, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh 525 học sinh. Vì thế, Sở GD&ĐT nhận thấy cần bổ sung việc xem xét điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn khoa học, lịch sử và địa lý lớp 4, 5 nhằm phù hợp với yêu cầu đánh giá toàn diện học sinh. Do đó, sở đã trình và được UBND TP đồng ý, điều chỉnh chỉ tiêu từ 525 lên 600 học sinh.
Đồng thời, phương án xét tuyển: Điểm xét tuyển = (Tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 3, 4, 5 các môn tiếng Việt và toán) + (Tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 4, 5 các môn khoa học và lịch sử - địa lý).
UBND TP.HCM chỉ đạo công tác chuẩn bị năm học mới
UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD&ĐT chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo phương án tổ chức dạy và học chương trình năm học mới trên môi trường Internet đến hết thời gian học kỳ 1 năm học 2021-2022, nhất là đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp đầu cấp và cuối cấp.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án và chủ động tham mưu kế hoạch năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non TP khi tình hình dịch được kiểm soát và học sinh có thể đến trường.
Hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đã kiểm soát được dịch bệnh tùy theo tình hình cụ thể, chủ động báo cáo, đề xuất việc tổ chức dạy và học trực tiếp ngay trong học kỳ 1 năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT tổng hợp, xây dựng phương án cụ thể và trình UBND TP quyết định.
Chủ trì và giám sát các địa phương hoàn thành công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trong tháng 8, theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022.
Chủ động rà soát việc tiêm ngừa vaccine cho giáo viên (thống kê đầy đủ số liệu giáo viên chưa tiêm ngừa, đã tiêm ngừa một mũi/hai mũi), phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho lực lượng giáo viên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-duc/tphcm-chuan-bi-phuong-an-hoc-truc-tuyen-het-hoc-ky-1-1009319.html