TP. HCM: Có một quán cháo 1.000 đồng ở thời 'bão giá'

Quán cháo của đôi vợ chồng già đã tồn tại được gần 20 năm. Ai đến đây cũng có 'thâm niên' ăn tính bằng năm, do giá thành rẻ và lòng nhân hậu của chủ quán.

Nằm trong con hẻm số trên đường Phan Văn Khỏe (quận 6, TP. HCM), không khó để người dân có thể tìm được quán cháo có tên “Về đây em” của vợ chồng ông Công Minh (68 tuổi) và bà Phượng (55 tuổi).

Bài liên quan

Độc đáo nghệ thuật khắc trên bút chì của chàng trai 9X

Độc đáo mô hình nuôi cua biển trong nhà ở Hà Nội

Độc đáo quán cà phê trưng bày mô hình Bearbrick đắt đỏ thu hút giới trẻ Hà Nội

Độc đáo lễ hội vật cầu nước làng Vân ở Bắc Giang- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo lời kể của ông Minh, quán cháo ra đời từ năm 2003. Thời điểm đó, vợ chồng ông bán 1 tô cháo trắng với giá 500 đồng.

Đến năm 2012, khi mệnh giá tiền này không còn được sử dụng rộng rãi, kèm theo vật giá tăng cao, ông quyết định tăng giá tô cháo lên… 1.000 đồng.

“Vì đây là nhà của vợ chồng tôi, không phải gánh chi mặt bằng nên tôi thấy không cần phải tăng giá lên quá cao. Chủ yếu phục vụ công nhân, bán vé số, học sinh, sinh viên, những người có thu nhập không ổn định nên tăng cao quá thì họ khó có đủ điều kiện mua ăn”, ông Minh nói.

Mỗi ngày, vợ chồng ông nấu khoảng 4kg gạo. Tùy vào lượng khách trong ngày, ông Minh sẽ cân nhắc tăng hoặc giảm lượng gạo nấu cho ngày mai. Cháo được nấu nhừ, không pha bột nên đặc và khá thơm.

Củi bếp lúc nào cũng sáng lửa, đảm bảo độ nóng ở cháo, độ chín ở những con khô,… cho thực khách.

Tại đây, thực khách có thể ăn cháo với các món ăn kèm tùy thích.

Cụ thể, các món ăn kèm như trứng vịt muối, dưa mắm, kho quẹt, cá kho… dao động 2.000-10.000 đồng. Bên cạnh đó, quán còn bán thêm hột vịt lộn và các loại khô cá để tăng thu nhập.

Một phần cháo có giá khoảng 6.000 đồng, hiếm thấy ở TP. HCM.

“Tưởng tượng như nấu cho người trong nhà ăn thôi. Buôn bán vất vả, nhưng nghĩ có thể giúp được nhiều người khó khăn có một bữa ăn rẻ trong thời điểm vật giá leo thang, là động lực để chúng tôi cố gắng. Lúc trước, vợ tôi bị tai biến, phải nghỉ một thời gian. Khi vừa khỏe là bán lại ngay, có nhiều người nhớ quán cháo quá, liên tục hỏi thăm”, ông Minh kể.

Với tiêu chí “mua sao cũng bán”, nếu ai dư dả, có thể ăn tô cháo 2.000 đồng, kèm theo nhiều thức ăn kèm. Ai khó khăn thì ăn nhiều cháo, bớt thức ăn lại. Riêng những người không có tiền, đến xin phần ăn, vợ chồng ông vẫn sẵn sàng hỗ trợ.

“Nhớ thời sinh viên hết tiền, ghé đây ăn được chú cho thêm thức ăn. Lúc đó tôi biết đây là quán ‘ruột’ rồi. Khi nào rảnh là ghé ủng hộ chú. Ở đây bán ngon, vừa miệng, không gian thì không có gì cầu kỳ, giống khung cảnh ở quê khiến tôi nhớ nhà lắm”, anh Thanh Tâm (35 tuổi, ngụ quận 6) chia sẻ.

Nấu với cái tâm nên dù không chuẩn bị cầu kỳ, quán cháo của ông Minh và bà Phượng vẫn dễ dàng giữ chân khách đến ăn.

Là khách quen với “thâm niên” ăn cháo gần 20 năm, cô Tuyết Hoa (60 tuổi, ngụ quận 6) chưa có tuần nào là không ghé quán. Lần nào đến ăn, cô Hoa đều kêu một chén cháo 2.000 đồng, kèm theo một nửa hột vịt muối giá 3.000 đồng, vậy là có thể “no bụng”.

“Ăn từ lúc quán mới mở tới giờ. Bán rẻ lắm, thấy đồ ăn, xăng xe,… cái gì cũng tăng giá mà cháo ở đây sao không thấy tăng. Như ở mấy quán cháo khách, nếu mua 4 phần ăn cho gia đình mất tới 60.000 đồng, riêng ở đây chưa tới 30.000 dồng. Tôi ăn quen rồi, hai cô chú nêm nếm rất vừa miệng, lại còn hiếu khách và dễ mến”, cô Hoa nói.

Không chỉ thực khách ở quận 6, nhiều người ở các huyện ngoại thành một lần tới ăn là quay lại làm khách quen.

Không gian chỉ đủ cho 10-12 người ngồi, nhưng thực khách vẫn rất vui vẻ đến ăn, xem vợ chồng ông Minh, bà Phượng như người thân trong nhà, bởi sự tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị thức ăn và sự nhiệt tình, mến khách của vợ chồng ông.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-co-mot-quan-chao-1000-dong-o-thoi-bao-gia-post197797.html