'TP HCM có thể thành lập các thành phố nhỏ trong thành phố lớn'
Đó là một trong những góp ý của tiến sĩ Phạm Thanh Duy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM.
Ngày 6/10, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM. Hội nghị thu hút sự tham gia, góp ý của các vị Ủy viên, các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam, các vị chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học…trên địa bàn Thành phố.
Góp ý cho đề án, TS. Phạm Thanh Duy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng chính quyền đô thị là cần thiết.
Theo TS. Duy, ở các khu đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới, họ đã xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền không có cấp xã, phường. Trong thời kỳ quá độ, chúng ta có thể xây dựng các phường có quy mô tương đối lớn để tăng áp lực cải cách và cũng là bước khởi đầu để xây dựng chính quyền đô thị. Chẳng hạn, ở Tokyo (Nhật Bản), chính quyền thấp nhất là cấp khu, được gọi bằng “city” trong tiếng Anh hay như Thành phố New York (Mỹ), với quy mô dân số khá lớn, hiện nay chính quyền thấp nhất là borough (tương đương cấp quận) với mức dân số khoảng gần 1 triệu đến dưới 3 triệu/borough. TP HCM cũng có thể tham khảo các mô hình này để thành lập các thành phố nhỏ tương đương một quận trong thành phố lớn.
Khi hình thành các đơn vị hành chính với quy mô dân số lớn, đồng thời phải đồng bộ hóa công tác quản lý dân cư thông qua việc tin học hóa công tác quản lý để có thể đáp ứng được việc quản lý số lượng dân cư lớn. “Thành phố cần có hướng để xây dựng chính quyền đô thị. Các phường có số dân ít nên sắp xếp lại để có quy mô dân số cao hơn, tránh quá chênh lệch về dân cư. Về lâu dài, có thể sáp nhập các quận nhỏ với nhau để trở thành các thành phố nhằm tránh sự chênh lệch quá lớn về dân cư cũng như về diện tích. Nếu thành phố có kế hoạch xây dựng trong tương lai gần thì nên trì hoãn việc sáp nhập ở thời điểm hiện tại để khi xây dựng các thành phố (city) trong đại đô thị (metropolis) sẽ thực hiện sáp nhập 1 lần cho đỡ gây xáo trộn. Trong thời gian quá độ, việc sáp nhập các đơn vị cấp phường như trong đề án cũng có thể chấp nhập được”,TS.Duy đề nghị.
Luật sư Trương Thị Hòa đánh giá, việc sắp xếp lại phường xã, nhập quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức nhìn chung được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên cần phải lý giải cho rõ để thuyết phục hơn. Đặc biệt là sau khi sắp xếp, sẽ phát triển như thế nào kể cả phát triển về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đời sống người dân sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn về hành chính, dịch vụ công.
“Việc nhập lại các xã phường, thành lập Thành phố Thủ Đức là nhu cầu bớt đi đơn vị hành chính và giảm biên chế. Nhưng khi nhập lại không gây thiệt hại gì cho dân mà phải chứng minh có lợi hơn. Ví dụ khi nhập lại các phường xã rồi thì ở một trụ sở còn lại cán bộ sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào?, bà Hòa đặt vấn đề.
Trong khi đó, TS. Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển TP HCM cho rằng, cần thêm Luật về tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có nội dung quan trọng về hệ thống nhiệm vụ chức năng và vấn đề liên quan đến chính quyền đô thị.
Cũng theo ông Cương, Đề án có hai nội dung cần sắp xếp là cấp huyện và cấp xã. Hai nội dung này có cơ sở khoa học để chứng minh sự cấp thiết khác nhau nhưng lại được trình bày chung nên chưa nêu bật được lý do cần sắp xếp, đặc biệt là cấp huyện. Cụ thể nhu cầu quản lý hành chính nào đòi hỏi phải tổ chức Thành phố phía Đông, nội dung gì mà các quận hiện nay không làm được, chỉ thành phố mới làm được?
Ở đây có hai mảng công việc: Thứ nhất, giải quyết công việc hành chính thường nhật cho người dân; thứ hai, giải quyết công việc hành chính liên quan đến phát triển thành phố phía Đông hiện đại, sáng tạo, tương tác cao. Mỗi công việc có nhu cầu khác nhau về tổ chức đơn vị hành chính. Rất cần có các phương án tổ chức bộ máy hành chính đảm trách hai chức năng này sao cho có hiệu lực và hiệu quả cao nhất. Do đó rất cần tách và luận giải riêng về sự cần thiết của việc thành lập Thành phố phía Đông (tạm gọi là thành phố Thủ Đức).