TP.HCM còn hơn 300 dự án 'treo' gây bức xúc cho người dân

TP.HCM đang có 302 dự án đã quá thời hạn được phê duyệt 3 năm nhưng chưa thể thu hồi đất.

Tại một đô thị sôi động như TP.HCM, việc huy động các nguồn lực để phát triển, trong đó có nguồn lực từ đất đai là hết sức quan trọng. Tuy vậy, đến nay TP.HCM đang có 302 dự án đã quá thời hạn được phê duyệt 3 năm nhưng chưa thể thu hồi đất. Những dự án “treo” như vậy khiến nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân.

Những dự án “treo” hàng chục năm trời

Nằm sát trung tâm TP.HCM, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa ở quận Bình Thạnh luôn trong tình trạng um tùm cỏ dại, ao đầm, sình lầy nhếch nhác. Được quy hoạch từ năm 1992 với tổng diện tích gần 427 ha, dự án qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư vẫn bị kéo dài thời gian thực hiện khiến đời sống người dân bán đảo Thanh Đa rất khốn khổ, không thể mua bán nhà đất cũng như xây dựng, cải tạo chỗ ở. Điều kiện sinh hoạt tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng người dân nơi đây vẫn phải bám trụ với hy vọng về một viễn cảnh tươi sáng.

Ông Trương Quốc Vinh, người dân bán đảo Thanh Đa cho biết: "Nếu phát triển quy hoạch theo hướng hình thành khu sinh thái thì tôi rất ủng hộ vì xung quanh đã bị đô thị hóa, không còn mảng xanh. Tôi muốn được tái định cư tại chỗ vì nếu đi đến chỗ mới thì bắt buộc phải tìm công việc mới".

Còn tại vùng ven TP.HCM, khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) được quy hoạch từ năm 2006 nhưng đến nay khu đô thị vẫn chưa được hình thành khiến quyền lợi của người dân bị "treo" hàng chục năm.

Bán đảo Thanh Đa nằm sát trung tâm TP.HCM gần 30 năm vẫn để hoang. (Ảnh: Hà Khánh)

Bán đảo Thanh Đa nằm sát trung tâm TP.HCM gần 30 năm vẫn để hoang. (Ảnh: Hà Khánh)

Nguyên nhân là do việc đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh giới quy hoạch khu đô thị chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện. Đặc biệt là khu vực tập trung các hộ dân đã sinh sống từ trước dọc theo Quốc lộ 22, với tổng diện tích hơn 1.600 ha.

Ông Nguyễn Văn Cửu, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi chia sẻ: "Người dân trong khu quy hoạch này không được thực hiện các quyền như chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, xây dựng nhà ở. Cuối năm 2020, UBND huyện tổ chức lấy ý kiến người dân về việc điều chỉnh quy hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh".

Xử lý để khôi phục quyền lợi của người dân

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, HĐND TP đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án. Tuy nhiên, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai, có địa phương có đến 30% số dự án chưa thực hiện.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, những nguyên nhân chính khiến 302 dự án “treo” là do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án. Ngoài ra còn có khó khăn trong công tác bồi thường, giá đền bù chưa thống nhất được với người dân.

Nhà cửa bị phá bỏ dang dở trong Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi. (Ảnh: Kiên Cường).

Nhà cửa bị phá bỏ dang dở trong Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi. (Ảnh: Kiên Cường).

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Thắng cho rằng để quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng thì sẽ có hướng xử lý để đưa những dự án “treo” ra khỏi nghị quyết của HĐND TP.

"Đối với quản lý nhà nước, đã đưa vào thì phải đưa ra rồi người dân mới thực hiện quyền của mình. Như vậy cũng khẳng định trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP và các quận, huyện phải rà soát kịp thời và đưa ra đối với những dự án không thực hiện. Không phải nghiễm nhiên cứ 3 năm là người dân được thực hiện quyền trên khu đất đã đưa vào kế hoạch hạn chế quyền rồi. Việc này phải phối hợp xử lý" - ông Thắng nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cho biết, khi còn là đại biểu HĐND TP khóa IV, vấn đề bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã được nêu ý kiến. Nhưng đến nay gần 30 năm vẫn không có sự thay đổi, khiến nhân dân rất bức xúc. Ngoài ra, khu vực huyện Củ Chi cũng có quy hoạch treo hàng chục năm, những dự án “treo” quá lâu thì gây bức xúc cho người dân.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa: "Bình Chánh cũng là một khu vực như vậy, rất nhiều vùng đất ở TP đang bị “treo”. Phải xử lý vấn đề này vì đang để lại rất nhiều xung đột và lãng phí".

Để tránh tình trạng những dự án “treo” quá lâu ảnh hưởng tới người dân, HĐND TP cần chủ động đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra tính khả thi của các dự án do địa phương đề xuất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi trình HĐND TP để tránh tình trạng nhiều dự án không khả thi vẫn được thông qua./.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/tphcm-con-hon-300-du-an-treo-gay-buc-xuc-cho-nguoi-dan-post977444.vov