TP.HCM còn nhiều dư địa đón dòng đầu tư vào trung tâm dữ liệu
Thời gian tới, TP.HCM sẽ rộng cửa đón sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu, nhất là khi pháp lý đầu tư lĩnh vực này đã chặt chẽ hơn.
Dự án tại SHTP đã chọn được nhà đầu tư
Cuối cùng, cuộc đua giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong đầu tư trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã ngã ngũ. Ngày 18/3/2025, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô tại Lô T4-3, đường D2, Khu công nghệ cao TP. Thủ Đức, đồng thời, chấp thuận Công ty cổ phần Công nghệ Tập đoàn CMC là nhà đầu tư dự án.
Theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án có diện tích hơn 30.203 m2, cao 8 tầng, trong đó 2 tầng để lắp đặt hệ thống phụ trợ như máy làm mát hệ thống, phòng tủ điện; từ tầng 3 đến tầng 8 để đặt máy chủ. Dự án với quy mô 3.000 racks, tổng công suất IT Load 30 MW, tổng vốn đầu tư 6.260 tỷ đồng (hơn 250 triệu USD).
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục về đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng…, dự kiến quý II/2026 sẽ khởi công, đến quý II/2027 đưa vào vận hành giai đoạn I.
Trước đó, ngay từ khi được công bố, dự án trên đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn như Liên danh Coteccons - Eaton (Hoa Kỳ), Tập đoàn Evolution (thuộc Warburg Pincus - Hoa Kỳ), hay Hyosung (Hàn Quốc). Theo đại diện Ban Quản lý SHTP, việc lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Các yếu tố về công nghệ, năng lực tài chính, chỉ tiêu quy hoạch… đều được đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng cho dự án chiến lược này.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng ban Ban Quản lý SHTP cho biết, việc phát triển trung tâm dữ liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu của SHTP trong những năm tới, bên cạnh các lĩnh vực then chốt khác như vi điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, robot và công nghệ sinh học. “Để đảm bảo phát triển ngành công nghệ cao, SHTP quyết tâm thu hút các dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Phùng nói.
Còn nhiều địa điểm có thể đầu tư trung tâm dữ liệu
Trong bối cảnh TP.HCM ngày càng khan hiếm quỹ đất thu hút đầu tư các dự án sản xuất quy mô lớn, thì mô hình đầu tư vào trung tâm dữ liệu nổi lên như một xu hướng tất yếu. Không chỉ tiết kiệm diện tích, các trung tâm dữ liệu còn mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghệ cao của Thành phố.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) nhận định, đầu tư trung tâm dữ liệu đang là xu hướng đầu tư mới tại TP.HCM. Các dự án trung tâm dữ liệu thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Hiện nay, ngoài SHTP, TP.HCM còn có nhiều địa điểm có thể thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu, như Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi). Tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đang đầu tư trung tâm dữ liệu với công suất khoảng 6.500 racks (tủ đặt máy), tổng vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng.
Tháng 10/2024, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) cũng gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất thực hiện đầu tư Dự án Trung tâm Dữ liệu tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Sau khi rà soát, Hepza cho biết, dự án này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Thành phố và quy hoạch Khu công nghiệp Tân Phú Trung.
Theo ông Trần Việt Hà, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm dữ liệu, Hepza đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, bởi việc đầu tư trung tâm dữ liệu cần nguồn điện lớn, ổn định và đáp ứng cả nguồn điện dự phòng để doanh nghiệp hoạt động.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế, bà Celina Chua, Giám đốc giải pháp khách hàng Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) đánh giá, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư trung tâm dữ liệu được các nhà đầu tư ưu tiên. Lý do là Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu nâng tổng công suất phát điện của quốc gia từ 80 GW lên 155 GW, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lĩnh vực trung tâm dữ liệu vốn tiêu tốn nhiều năng lượng.
Thêm vào đó, Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ tháng 1/2025 tạo ra khung pháp lý chặt chẽ hơn với các hướng dẫn rõ ràng cho dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây dưới dạng dịch vụ viễn thông, đặc biệt là cho phép đầu tư nước ngoài 100% vào các dịch vụ trung tâm dữ liệu.