TP.HCM: Cử tri lo lắng trước tác hại của thuốc lá điện tử, các loại ma túy mới

Chiều 10.5, Tổ đại biểu quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 2 - Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 về báo cáo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.

Cử tri quận 1 cho rằng, hiện nay Internet mang lại lợi ích không nhỏ, giúp trẻ em có thể dễ dàng hơn trong việc học tập, trao đổi... Tuy nhiên, trên môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro với những thông tin độc hại, có thể ảnh hưởng tâm, sinh lý trẻ. Vì thế, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang trở thành vấn đề cấp thiết của các nhà quản lý, nhà trường và phụ huynh học sinh.

Theo cử tri, việc tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội rất thuận tiện, dẫn đến trẻ em dễ dàng bị lôi kéo. Lứa tuổi này thường chưa được trang bị dây đủ các kiến thức về xã hội cho nên khi xem clip, tham gia các hội nhóm thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý.

Cử tri cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia mạng xã hội; nhà trường, phụ huynh cần để ý theo dõi và trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó là tác hại của thuốc lá điện tử, các loại ma túy mới... xâm nhập vào Việt Nam. Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá này ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động, lôi kéo.

Một học sinh THPT hút thuốc lá điện tử tại quán nước - Ảnh: Việt Trung

Một học sinh THPT hút thuốc lá điện tử tại quán nước - Ảnh: Việt Trung

Trao đổi với cử tri về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay các hành lang pháp lý cơ bản khá đầy đủ như: Luật Bảo vệ quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng…; các chỉ thị của Thủ tướng về các chương trình kế hoạch tăng cường bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đại biểu cho rằng nhà trường phải tăng cường công tác giáo dục các em.

Trước đó, tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa Giáo dục tổ chức ngày 4.5, ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội thông tin, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh.

Đặc biệt, thuốc lá điện tử còn làm suy yếu sự phát triển não bộ, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần của thanh, thiếu niên; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội…

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Từ đó, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề này.

Tường Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-cu-tri-lo-lang-truoc-tac-hai-cua-thuoc-la-dien-tu-cac-loai-ma-tuy-moi-217090.html