TP.HCM đảm bảo chăm lo cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế tuyến đầu
Theo quy định của ngành y tế, chi phí chăm lo cho tuyến đầu chống dịch hiện nay là tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh đã nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng/người/ngày.
Đảm bảo chăm lo cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế tuyến đầu và củng cố y tế cộng đồng để hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà là hai vấn đề mà Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tập trung thực hiện nhằm mục tiêu sớm kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Thông tin này được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại cuộc họp báo thông tin công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, ngày 9/9.
Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 cho biết tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp, khó lường.
Trong đợt dịch thứ 4, thành phố đã phải huy động tối đa lực lượng với gần 20.000 cán bộ, nhân viên y tế để tham gia phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khi số lượng người nhiễm COVID-19 tại Thành phố tăng lên quá nhanh, ngành y tế đã kịp thời huy động các lực lượng hỗ trợ từ Trung ương, các sở y tế địa phương, bệnh viện tư nhân tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 với số lượng huy động được xem là lớn nhất tới nay, tổng số gần 6.700 người.
Lực lượng này đã và đang trực tiếp tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện tầng 2, tầng 3, bệnh viện dã chiến; lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, ngay khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, các đội y tế chi viện, hỗ trợ đã được thành phố và các quận, huyện bố trí chỗ ăn, ngủ và điều kiện làm việc, sinh hoạt đầy đủ.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ bên cạnh sự phân công là tinh thần tự nguyện, mong muốn hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Các y, bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên ngành y đều sẵn sàng chấp nhận điều kiện ăn, ở có thể có chút khó khăn…nhưng đó không phải là vấn đề lớn.
Những trường hợp y, bác sỹ, nhân viên y tế phản ánh gặp khó khăn trong quá trình tham gia hỗ trợ Thành phố đều được lãnh đạo đơn vị trao đổi, xử lý.
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định, luôn khuyến khích để đồng nghiệp làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong quá trình làm việc luôn có trao đổi hai chiều giữa trưởng nhóm và các nhân viên. Bất kỳ ý kiến nào cũng được ghi nhận, xử lý trách nhiệm, nghiêm túc.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với lực lượng đông người nên đâu đó không thể giải quyết hết mong mỏi của đồng nghiệp. Ngành y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố luôn cố gắng hài hòa quyền lợi của đội ngũ y tế để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Cũng liên quan đến việc chăm lo, đảm bảo chế độ cho đội ngũ y tế tham gia phòng chống dịch, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin theo quy định chung của ngành y tế, chi phí chăm lo cho tuyến đầu chống dịch hiện nay là tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, tuy nhiên nghị quyết của Thành phố Hồ Chí Minh đã nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, những người tham gia công tác phòng, chống dịch, tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ các mức 350.000-450.000 đồng/ngày tùy vào khu vực. Các y, bác sỹ cũng được hưởng đầy đủ chế độ phụ cấp, thu nhập tăng thêm của đơn vị.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch tùy vào tính chất công việc.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, song song với việc đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt chế độ dinh dưỡng cho đội ngũ y, bác sỹ tại các bệnh viện điều trị COVID-19, ngành y tế thành phố cũng tập trung củng cố lực lượng y tế cộng đồng, các đội y tế lưu động ở phường, xã. Đây là chiến lược quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, cấp phát túi thuốc, hỗ trợ điều trị cho lượng lớn F0 đang cách ly tại nhà.
Thông tin về việc triển khai tiêm vaccine Vero Cell cho những trường hợp trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vaccine Vero Cell đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt và Bộ Y tế cấp phép sử dụng theo hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất.
Vaccine này được khuyến cáo sử dụng cho từ người từ 18 tuổi trở lên, chỉ lưu ý cho một số đối tượng có bệnh nền cần được tư vấn cụ thể.
Với mục tiêu đến ngày 15/9 tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của người dân thành phố đạt 95-100%, tiếp tục tiêm mũi 2 theo lộ trình đủ thời gian, ngành y tế khuyến cáo “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” và người dân có thể yên tâm tiêm các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng.
Tính đến ngày 8/9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 7.071.865 liều vaccine (tăng 187.706 mũi vắc xin so với ngày 7/9/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.246.613, mũi 2 là 825.252, số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 775.140.
Đến 18 giờ ngày 9/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 278.703 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Hiện đang điều trị 40.304 bệnh nhân, trong đó có 2.727 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.793 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 8/9 có 3.116 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 140.324), 203 trường hợp tử vong trong (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 11.409 người)./.
Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 9/9
Thành phố Hồ Chí Minh
- Số ca nhiễm: 279.223
- Ca tử vong: 11.409
- Tiêm chủng: 7.049.737
Trong nước:
- Số ca nhiễm: 576.096
- Số ca tử vong: 14.470.
- Số ca khỏi bệnh: 338.170
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 24.781.185 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều.
Thế giới:
- Số ca nhiễm: 223.475.490
- Số ca tử vong: 4.611.347
- Số ca hồi phục: 200.011.154