TP.HCM: Đàn khỉ quậy tưng khu phố
Đàn khỉ gần 10 con liên tục quậy phá, lấy trộm thức ăn khiến các hộ dân trên địa bàn khu phố 6, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM lo sợ.
“Hổm rày tôi mất ăn mất ngủ vì đàn khỉ hoang gần chục con nhảy đùng đùng trên nóc nhà. Chưa hết, bồn chứa nước bị đàn khỉ xô lệch nên tôi phải bỏ tiền mướn thợ gia cố lại cho chắc” - ông Hùng (46 tuổi, tổ 12, khu phố 6, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) nói.
Sinh sôi thành đàn từ hai con sổng chuồng
“Đâu chỉ vậy, hớ hênh một tí là mâm trái cây cúng trước nhà cũng bị cháu con Tề Thiên dọn sạch trong vòng… năm nốt nhạc” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trước đây có một gia đình nuôi khỉ đã để sổng hai con, một đực, một cái. Theo thời gian, đàn khỉ sinh sôi và sống thành đàn tại khu vực nhiều cây cối ở bưng biền, kênh rạch thuộc khu vực tổ 16, khu phố 6, phường Thạnh Xuân.
“Thời gian gần đây, địa phương triển khai dự án cải tạo kênh rạch nên chặt bỏ nhiều cây cối, bụi rậm. Do bị thu hẹp môi trường sống nên đàn khỉ phân tán thành các nhóm nhỏ rồi tìm nơi ở mới.
Tại khu phố 6, tầm sáng sớm hoặc chiều tối là đàn khỉ lớn nhỏ gần chục con đu trèo những cây còn sót lại và “tấn công” nhà dân. Không chỉ trèo mái nhà, chúng còn đu tòn ten dây điện khiến nhiều người xanh mặt vì sợ dây điện bị đứt” - ông Hùng nói thêm.
Tương tự, bà Mai (56 tuổi, ở tổ 16, khu phố 6, phường Thạnh Xuân) cũng đau đầu vì luôn bị đàn khỉ hoang làm phiền. “Nhà có cây mận vừa ra trái chờ lớn hái cho đám cháu nhưng bị đàn khỉ rung rụng đầy sân. Chưa hết, tôi phải bỏ tiền rào kín sân thượng để chúng không lẻn vô quậy phá cây kiểng và lấy trộm đồ đạc, thức ăn. Không giải quyết đàn khỉ sớm, tôi và láng giềng không yên tâm được” - bà Mai lắc đầu.
Những người dân ở đây cho biết họ không ghét bỏ đàn khỉ, mong muốn cơ quan chức năng đưa chúng vào nơi có thiên nhiên hoang dã để sinh sống và không gây ảnh hưởng đến ai.
Sớm nhờ kiểm lâm hỗ trợ
Ông Trần Hữu Hội, Bí thư chi bộ khu phố 6, phường Thạnh Xuân, cho biết không ít lần đàn khỉ tầm 10 con đu chuyền dây điện chẳng khác gì diễn viên xiếc. Không chỉ vậy, chúng còn nhảy đùng đùng trên nóc nhà trụ sở khu phố 6 khiến nhiều người sợ sập.
“Bị xua đuổi, chúng chuyền qua cây khác, nhà khác và tiếp tục quậy tưng. Sau khi phá phách hả hê, chúng rút đi và tạm ẩn trong những lùm cây còn sót lại cạnh kênh rạch. Do đàn khỉ hoang quá tinh khôn nên chúng tôi khó vây bắt” - ông Hội cho biết thêm.
“Đàn khỉ ngày càng dạn dĩ và phá phách nhiều hơn. Hiện chưa có trường hợp khỉ tấn công người nhưng nếu không giải quyết sớm e xảy ra chuyện không hay. Chúng tôi cũng đã báo cáo vụ việc với UBND phường Thạnh Xuân” - ông Hội nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, quận 12, đàn khỉ xuất hiện ở khu phố 6 khoảng 10 con, lớn nhỏ có đủ. UBND phường từng phối hợp với người dân vây bắt nhưng không thể vì chúng di chuyển rất nhanh.
“Ngay hôm nay, UBND phường làm công văn đề nghị Chi cục Kiểm lâm TP.HCM hỗ trợ bắt đàn khỉ chuyển về Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM) để chăm sóc” - ông Đạt cho biết thêm.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết đàn khỉ xuất hiện ở khu phố 6, phường Thạnh Xuân, quận 12 mang đặc điểm khỉ đuôi dài, thuộc động vật hoang dã quý hiếm, nằm trong nhóm 2 thuộc Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
“Loài khỉ này có bản năng tự nhiên, khi đói có thể vào nhà dân trộm đồ ăn và tấn công người, nhất là em bé. Do vậy, người dân không nên tự ý bắt giữ hoặc kích động khỉ mà nên báo cho lực lượng chuyên trách xử lý” - vị này lưu ý.
Hạn chế gây tổn thương đến động vật
Điều 8 Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp do Chính phủ ban hành có nội dung:
1. Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan kiểm lâm hoặc UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.
2. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/tphcm-dan-khi-quay-tung-khu-pho-961207.html