TP.HCM đặt mục tiêu đến 2030 kinh tế số chiếm 40% GRDP
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Sáng 22/7/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị công bố Chương trình Chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (TP).
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết chuyển đổi số ngày nay không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội. Trong khi đó, TP.Hồ Chí Minh là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chương trình Chuyển đổi số của TP được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp (DN) có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của ĐTTM phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP đang triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số. Cụ thể, đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số (cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp TP); phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu); phát triển nền tảng số (bao gồm các nền tảng như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng chuỗi khối (blockchain), nền tảng định danh điện tử; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Trong đó, về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng chính quyền số gồm: Nhóm nhiệm vụ nhằm phục vụ người dân và DN, nhóm nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP (HCM LGSP), triển khai Kho dữ liệu dùng chung, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của TP và thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.
Nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số gồm: Nhóm nhiệm vụ chung cho các DN (bao gồm phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN), sứ mệnh của các doanh nghiệp CNTT-TT trong quá trình chuyển đổi số của TP, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và triển khai chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế số.
Nhóm chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực bao gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Hội Tin học TP, Hiệp hội doanh nghiệp TP, Bưu điện TP và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi số cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình này. Theo các đại biểu, TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn, năng động và đầy tiềm năng. Nhưng đây cũng chính là thách thức trong quá trình chuyển đổi số.