TP HCM: Đẩy mạnh thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia
Ngày 30/8, thông tin từ UBND TP HCM cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá và rượu, bia TP HCM vừa ban hành văn bản về tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia trên địa bàn TP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng kế hoạch theo tình hình thực tế
Theo đó, UBND TP HCM đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, các Ban đảng trực thuộc Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND TP HCM, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị TP; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của rượu bia (có thể lồng ghép vào Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá) của ngành, đơn vị.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị vừa nêu phải xây dựng Kế hoạch thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo nhiệm vụ, tình hình thực tế của ngành, đơn vị phụ trách. Đồng thời, quán triệt, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại đơn vị, cơ quan, ngành quản lý.
"Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng võ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu bia (đặc biệt là trong giờ làm việc, công tác và học tập); thực hiện nghiêm quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông", UBND TP HCM đề nghị.
Ngoài ra, UBND TP HCM cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị nêu trên đưa nội quy cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, học tập, công tác vào nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Đối với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, UBND TP HCM đề nghị các cơ quan này thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có thể lồng ghép vào Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá) của đơn vị. Hàng năm, xây dựng Kế hoạch thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo nhiệm vụ, tình hình thực tế của đơn vị.
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của UBND các cấp. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể đưa quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, công tác, học tập vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị.
Quán triệt, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại đơn vị, cơ quan quản lý; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng võ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu bia (đặc biệt là trong giờ làm việc, công tác và học tập); thực hiện nghiêm quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định. Thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu bia.
Tập trung tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; không uống rượu bia trước và trong khi lái xe; phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đáng chú ý, Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá và rượu, bia TP rà soát, tham mưu kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá và rượu, bia trên địa bàn TP. Tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn TP hàng năm (hoặc giai đoạn) để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị TP triển khai nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Liên quan tới việc phòng, chống tác hại của thuốc lá và rượu, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) đã qui định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, Luật này đã nghiêm cấm các hành vi như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia (qui định tại khoản 1, Điều 5); Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia (qui định tại khoản 2, Điều 5); Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi (qui định tại khoản 3, Điều 5); Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia (qui định tại khoản 4, Điều 5)...
Về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia, khoản 5, Điều 32, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia qui định: Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh. Không chỉ vậy, cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia (qui định tại khoản 6, Điều 32).