TP.HCM đề xuất miễn học phí toàn bộ học sinh: Chính sách nhân văn!
Nhiều phụ huynh, nhà giáo vui mừng khi nghe tin Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất miễn học phí toàn bộ học sinh từ năm học 2025-2026.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn từ năm học 2025-2026.
Theo đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM, từ năm học sau, trẻ mầm non và học sinh tất cả các cấp tại TP.HCM có thể được miễn học phí.
Món quà dành cho học sinh TP
Theo Sở GD&ĐT, tại TP.HCM, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024-2025, HĐND TP đã ban hành các chính sách đặc thù của TP hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp học. Cụ thể:
Năm học 2021-2022, hỗ trợ 100% mức học phí công lập theo Nghị quyết số 17/2021 và Nghị quyết số 29/2021 của HĐND TP, tổng số tiền ngân sách TP thực hiện hỗ trợ là 604,5 tỉ đồng.
Năm học 2022-2023, TP hỗ trợ phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí theo Nghị quyết số 17/2022 của HĐND TP, tổng số tiền ngân sách chi hỗ trợ là 1.518,8 tỉ đồng.
Năm học 2023-2024, TP hỗ trợ phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí đối với mầm non, THPT và hỗ trợ 100% học phí đối với THCS theo Nghị quyết số 36/2023 của HĐND TP. Dự toán kinh phí thực hiện chính sách là 1.847 tỉ đồng.
Năm học 2024-2025, TP ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn TP. Kinh phí thực hiện là 237 tỉ đồng.
Mặt khác, thực hiện Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 81/2021, từ năm học 2025-2026, học sinh tiểu học trường công lập, trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được miễn học phí. Như vậy chỉ còn các đối tượng trẻ em mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT phải đóng học phí theo quy định.
Do đó, Sở GD&ĐT đánh giá việc miễn học phí đối với 2 đối tượng này sẽ sẽ là món quà ý nghĩa, thiết thực cho toàn bộ học sinh thành phố, tạo dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.
Ngoài ra, việc này cũng thể hiện sự quan tâm, đầu tư của thành phố cho giáo dục, đi đầu trong các chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí, đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập cho người dân.
Sở GD&ĐT dự tính kinh phí thực hiện trong năm học 2025-2026 là 653 tỉ đồng, lấy từ ngân sách.
8 địa phương miễn học phí toàn bộ cho học sinh
Theo ghi nhận của PLO, thời điểm hiện tại, có 7 địa phương miễn toàn bộ học phí cho học sinh và trẻ mầm non, gồm: Quảng Nam, Yên Bái, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.
Phụ huynh vui vì được quan tâm
Vừa bất ngờ, vừa vui là tâm trạng của chị Nguyễn Phương Nhi (quận 12) khi đọc tin Sở GD&ĐT đề xuất miễn học phí toàn bộ học sinh từ năm tới.
Chị Nhi có 3 đứa con, trải đều cả 3 cấp học. “Hiện nay chi phí học tập của các con là không nhỏ. Do đó, nếu các con được miễn học phí sẽ giúp tôi tiết kiệm được một khoản để lo cho những việc khác”- chị Nhi nói.
Trong khi đó, anh Vũ Thành Luân (quận Bình Tân) kể: “Sau đợt dịch, làm việc tại khu công nghiệp, tôi chứng kiến nhiều gia đình vất vả lo cuộc sống vì thu nhập giảm trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, tiền học cho các con. Do đó, chính sách miễn học phí sẽ đỡ phần nào gánh nặng cho công nhân” - anh Luân nói.
Với góc nhìn của một nhà giáo, bà Trần Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh bày tỏ: “Đọc tin này, tôi mừng cho học trò. Tuyệt vời! Đây là một chính sách nhân văn, thể hiện được tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo, cho thấy được quan tâm của TP đối với lĩnh vực giáo dục. Nó thể hiện sự tiến bộ, văn minh và sự nghĩa tình của TP đối với người dân”.
Theo bà Thơm, đề xuất này hợp lòng dân, chia sẻ gánh nặng đối với những gia đình khó khăn đông con hoặc có con đang trong độ tuổi đến trường.
Là hiệu trưởng tại một ngôi trường ngoại thành, thuộc huyện Bình Chánh, ông PH vui trước đề xuất miễn học phí.
“Vấn đề thu học phí luôn khiến chúng tôi đau đầu, hiện còn 1/3 em chưa đóng học phí chính khóa và buổi 2. Năm ngoái, trường tôi bị nợ học phí và các khoản thu khác lên tới hàng trăm triệu đồng. Phụ huynh đa phần là dân lao động, lương không ổn định nên rất khó truy thu” - vị này nói.
Tại trường có học bổng hỗ trợ học sinh khó khăn 500 nghìn đồng/tháng, tổ chức bữa cơm tình thương nhưng khó để quan tâm hết. “Do đó, việc miễn học phí đặc biệt là những trường ngoại thành là điều nên làm, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tôi mong đề xuất này sớm thông qua”- vị này nói.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, đại biểu HĐND chia sẻ đây là chính sách nhân văn, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của TP đối với việc học tập của học sinh TP.
Theo ông, chính sách này tạo điều kiện thuận lợi để không có học sinh nào gặp khó khăn về vấn đề học phí, từ đó tạo sự yên tâm đối với người dân để họ gắn bó và nỗ lực vì sự phát triển của TP.
Mong lãnh đạo TP đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM
"Đây là việc làm cần thiết, thể hiện sự quan tâm của TP đối với lĩnh vực giáo dục, tạo thuận lợi để tất cả học sinh đều được đến trường, đến lớp; góp phần củng cố phổ cập giáo dục ở các bậc học trong bối cảnh TP.HCM vừa được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới học tập toàn cầu.
Tôi mong lãnh đạo TP sẽ quan tâm và đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM. Trong quá trình thực hiện cần tính toán để không ảnh hưởng đến hoạt động của các trường"
Ông NGUYỄN VĂN NGAI, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.