Tp.HCM: Di dời nhà ven kênh rạch, cần quyết tâm hơn nữa
Thời gian qua, công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch tại TP.HCM còn khá khiêm tốn, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thiếu vốn, thiếu chính sách
Hiện nay, Tp.HCM còn số lượng lớn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, nhiều căn nhà đã xuống cấp, lụp xụp, không đảm bảo điều kiện sống, vệ sinh an toàn môi trường. Điều đáng nói, đây là nơi cư ngụ của rất nhiều gia đình 3-4 thế hệ sống chen chúc.
Anh Nguyễn Văn Tâm, 34 tuổi, sống tại khu vực cầu kênh Xáng, quận 8 cho biết cuộc sống ven kênh rạch rất bất tiện. Các điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, rác thải xung quanh tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Mặc khác, mỗi khi mưa lớn hoặc thủy triều dâng cao thì nước ngập vào nhà gây hư hỏng đồ đạc, dễ lan truyền mầm bệnh và gây ảnh hưởng sinh hoạt.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, thành phố có 5 tuyến kênh rạch chính dài hơn 105 km trong phạm vi nội thành, giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực rộng 14.200 ha. Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm. Để cải thiện môi trường đô thị, từ năm 1993, Tp.HCM thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời vẫn diễn ra rất chậm.
Tổng số căn nhà trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ năm 1993 đến nay). Nhìn chung, các giai đoạn thực hiện chương trình giải tỏa, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch đều đạt chỉ tiêu khá thấp (dưới 50%).
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1993 - 2020, Tp.HCM mới di dời được hơn 38.185 trên tổng số hơn 65.000 nhà cần di dời; giai đoạn từ năm 2021 - 2025, Tp.HCM mới chỉ di dời được 2.867 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng di dời nhà ven và trên kênh rạch diễn ra chậm chủ yếu là do khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Tính đến nay, mới có 5/14 dự án được tiếp tục bố trí vốn để bồi thường, tái định cư. Trong khi đó, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch được đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng khác lại không được chọn là cấp bách, ưu tiên hàng đầu.
Mặt khác, các dự án còn vướng ở thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... như dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đầu tư theo hình thức BT từ năm 2009. Công ty đã thực hiện xong giai đoạn 1 (giải tỏa nhà trên kênh).
Năm 2015, Resco tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là giải tỏa nhà ven kênh. Tuy nhiên, do Luật Đất đai 2013 có hiệu lực dẫn đến một số vướng mắc. Điều này dẫn đến dự án chậm giao đất cho nhà đầu tư, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn và đến nay dự án “đứng hình”.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, với tình hình này dự kiến đến hết năm 2025 cũng chỉ bồi thường, di dời được 4.250 căn, đạt 65% so với chỉ tiêu đề ra.
Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên là từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đã không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Nhà đầu tư không còn được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch nên không hấp dẫn trong việc mời gọi đầu tư.
Trong khi đó, việc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cũng gặp khó khăn trong việc bố trí vốn. Các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch dù đã được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục dự án trọng điểm, cấp thiết nhưng không được chọn là dự án cấp bách, cần ưu tiên như các dự án khác.
Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân cũng không đơn giản. Nhất là khi đa số nhà, đất đều có pháp lý phức tạp, không có quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm một phần trên đất hành lang, một phần trên mặt nước kênh rạch.
Kiên quyết di dời, cải tạo quy hoạch
Di dời nhà ven kênh rạch được Tp.HCM triển khai với mục tiêu không chỉ đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hộ dân sống ven kênh rạch hiện nay mà còn là một trong 7 chương trình đột phá của Tp.HCM nhằm mục tiêu tạo lập không gian đô thị sạch đẹp, văn minh đô thị.
Theo TS.Dư Phước Tân, chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, UBND Tp.HCM rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên, ven kênh với vốn trên 19.000 tỷ đồng bằng ngân sách. Tuy nhiên sau khi tính toán khả năng thực hiện, Sở Xây dựng ước chỉ đạt 41% trong số này trong giai đoạn 2021-2025.
“Có hai khó khăn lớn nhất khi di dời nhà trên và ven kênh hiện nay là chuẩn bị phương án giải tỏa và nguồn vốn bố trí tái định cư cho người dân. Trong thực thi cũng có khó khăn về kinh phí bồi thường. Kinh phí nhỏ giọt hàng năm, khó xử lý nhanh tiến độ", TS. Dư Phước Tân nói.
Góp ý giải pháp, chuyên gia cho rằng thông qua Nghị quyết 98 do Quốc hội vừa ban hành, Tp.HCM có thể tận dụng 3 điểm mở để khai thác. Thứ nhất, trong quy định về quản lý đầu tư có cho phép sử dụng ngân sách thực hiện bồi thường tái định cư cho những hộ ven kênh rạch. Hai là, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, Ngân sách Tp.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí .
Điểm cuối cùng, theo ông Tân, trong khoản 3, điều 6 của Nghị quyết 98, Tp.HCM có quyền đổi đất khác để xây nhà ở xã hội, hoặc dùng tiền hoán đổi và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quỹ đất được hoán đổi trong dự án nhà ở thương mại.
Trong khi đó, TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận tiến trình di dời nhà trên, ven kênh rạch của Tp.HCM hiện rất chậm. Chuyên gia cho rằng nút thắt quan trọng nhất hiện nay là vấn đề tài chính. Tuy nhiên thành phố mới chỉ đề cập việc giải quyết vấn đề vốn công hay tư, kêu gọi vốn nhưng chưa cụ thể được khả năng huy động là bao nhiêu tiền.
Để có tính thực thi hơn, ông Nguyên gợi ý thành phố có thể chia nhỏ các dự án và thực hiện từng đoạn một. Khi thấy kết quả, dù ít cũng sẽ tạo sự phấn khởi cho tâm lý của người dân. Người dân có cái nhìn thiện cảm hơn, muốn cố gắng đóng góp xã hội tốt hơn. Từ đó, công tác thu hồi, bồi thường cũng thuận lợi.
Đồng quan điểm, Th.s Vương Quốc Trung, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển Tp.HCM cũng cho rằng nguồn vốn là vấn đề nan giải nhất khi di dời nhà trên, ven kênh rạch hiện nay. Để giải quyết bài toán này, thành phố cần khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia, đa dạng hóa nguồn tài chính thông qua phương thức PPP. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế linh hoạt, vận dụng cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98; cải cách thủ tục pháp lý phức tạp.
Mặt khác, Tp.HCM nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản tiềm năng khi tham gia vào dự án di dời nhà ven kênh. Chính quyền cũng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn lực mới như việc làm, dịch vụ và tiện ích trong khu vực mới.