TP HCM định vị thế mạnh để xây dựng 'Thành phố sáng tạo'
TP HCM cần xem xét, xác định rõ thương hiệu địa phương của mình là gì để có thể tập trung xây dựng, phát triển 'Thành phố sáng tạo', khẳng định với thế giới.
Đó là một trong những ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của TP HCM” do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố và Trường Đại học Văn hóa TP HCM phối hợp tổ chức ngày 14/11.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, cần làm rõ khái niệm về thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa và TP HCM vận dụng gì từ định hướng này.
Định hướng công nghiệp văn hóa đặt ra vấn đề khai thác văn hóa từ truyền thống đến hiện đại, vốn hiện có kết hợp với tính sáng tạo. Còn thành phố sáng tạo là phải xuất phát từ sự sáng tạo của con người và toàn dân.
Qua thực tế, cả công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo đều nhằm xây dựng thương hiệu địa phương của các thành phố trên thế giới. Trong đó nguồn lực cực kỳ quan trọng là con người, không chỉ văn nghệ sĩ, mà là người dân. Do đó, TP HCM khi xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực nào thì cần căn cứ vào những vấn đề trên.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tính công nghiệp văn hóa của TP HCM theo tiêu chí thành phố sáng tạo của UNESCO vẫn còn nặng tính chất phong trào, không mang tính công nghiệp. Tính công nghiệp là phải có “thiết chế, cơ chế vững chắc, thể chế vững chắc”.
Chính vì thế, theo ông Thắng TP HCM cần xem xét, xác định rõ thương hiệu địa phương của mình là gì để có thể tập trung xây dựng, phát triển “Thành phố sáng tạo”, khẳng định với thế giới.
Theo TS Phạm Văn Luân (Trường Đại học Văn hóa TP HCM), một trong những nguyên nhân chính mà TP HCM chưa trở thành "Thành phố sáng tạo" là do thành phố chưa tiếp cận công nghiệp văn hóa để xây dựng và phát huy văn hóa sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”.
TS Phạm Văn Luân cho rằng, mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) có một trụ cột kết nối dễ nhận thấy là định vị “văn hóa sáng tạo” và công nghiệp văn hóa là hạt nhân của mọi kế hoạch phát triển từ cấp độ địa phương, khu vực đến hợp tác năng động ở cấp độ quốc tế.
Đối với TP HCM, để sớm gia nhập UCCN, cần ưu tiên xây dựng và phát huy văn hóa sáng tạo mà mũi đột phá quan trọng nhất hiện nay là phát triển công nghiệp văn hóa.
Vẫn theo TS Phạm Văn Luân, công nghiệp văn hóa sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển đời sống xã hội, đem lại những giá trị trực tiếp và gián tiếp, như: tạo ra cơ hội công ăn việc làm mới; thúc đẩy tiến trình cải tiến sản xuất, kinh doanh; mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo du lịch văn hóa TP HCM.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) phân tích, một thành phố tham gia vào UCCN sẽ hưởng lợi từ một nền tảng trao đổi và hợp tác quốc tế tích cực.
Theo bà Hà, khi trở thành một phần của UCCN, các thành phố được hưởng lợi từ các thành viên của gia đình UNESCO như: nhận được sự công nhận của họ ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế; kết nối với các chương trình nghị sự và hợp tác toàn cầu; kết nối với hệ thống Liên hợp quốc; cung cấp một môi trường thuận lợi để tiến xa hơn trong việc theo đuổi sự phát triển bền vững…
Hội thảo “Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của TP HCM” đã nhận được 29 tham luận.
Các tham luận phân thành 3 chủ đề, gồm: Lợi thế và thách thức của văn hóa TP HCM trong phát triển "Thành phố sáng tạo"; Các nguồn lực văn hóa TP HCM để xây dựng và phát triển "Thành phố sáng tạo"; Những giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển "Thành phố sáng tạo" có hiệu quả.
Các tham luận thể hiện nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, nhưng đều tập trung làm rõ ba nội dung cơ bản: Thành phố sáng tạo và lĩnh vực sáng tạo; TP HCM có lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong lĩnh vực sáng tạo nào và những giải pháp để TP HCM phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển "Thành phố sáng tạo”.
Năm 2019, UNESCO đã ghi danh Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thiết kế” và mới đây tháng 10/2023, UNESCO ghi danh Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.
Ngày 16/4/2021, Bộ VHTT&DL ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TP HCM là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với các thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO là chương trình quốc tế hiện có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia. Các thành phố thành viên xác định văn hóa, sáng tạo là yếu tố chiến lược phát triển đô thị bền vững. Yêu cầu tiên quyết của các thành phố trong UCCN là phải tiên phong thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh sáng tạo của người dân nhằm phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, thành phố sáng tạo cũng phải hợp tác với các thành viên khác của UCCN để thúc đẩy các biện pháp đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, gia tăng bất bình đẳng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh…
Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế, văn học, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.