TP. HCM dời 11 tuyến xe khách về Bến xe Miền Đông mới từ ngày 1/8

11 tuyến xe khách tuyến cố định từ TP. HCM đi Bình Dương sẽ được dời từ bến cũ ở nội đô sang Bến xe Miền Đông mới.

Mặc dù được đầu tư hiện đại nhưng đến nay Bến xe Miền Đông mới vẫn vắng khách, chưa tương xứng với cơ sở hạ tầng và công suất vận chuyển hành khách

Mặc dù được đầu tư hiện đại nhưng đến nay Bến xe Miền Đông mới vẫn vắng khách, chưa tương xứng với cơ sở hạ tầng và công suất vận chuyển hành khách

Ngày 4/7, đại diện Sở GTVT TP. HCM cho biết vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo và đề xuất danh mục các tuyến xe khách cố định được di dời từ Bến xe Miền Đông ở quận Bình Thạnh sang Bến xe Miền Đông mới tại TP. Thủ Đức.

Theo đó, Sở GTVT TP. HCM và Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã thống nhất danh mục 11 tuyến xe khách tuyến cố định từ TP. HCM đi Bình Dương và ngược lại sẽ được dời sang bến xe Miền Đông mới tại TP. Thủ Đức. Thời gian dự kiến di dời từ 0h ngày 1/8.

Sở GTVT TP. HCM đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét cập nhật, điều chỉnh danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở cho các đơn vị triển khai.

Bến xe Miền Đông mới nằm gần khu vực Suối Tiên, bắt đầu khai thác từ tháng 10/2020, với diện tích 16 ha, quy mô lớn nhất nước. Thời gian qua, các tuyến xe khách cố định hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ đã được chuyển dần sang hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới.

Theo đại diện Bến Miền Đông mới, sau khi dời thêm 11 tuyến cố định từ bến cũ, tổng số tuyến xe tại đây sẽ tăng lên khoảng 229 tuyến. Tuy nhiên, thực tế hiện ở bến chỉ có khoảng 60 tuyến hoạt động vì nhiều chặng chưa có doanh nghiệp vận tải đăng ký hoặc đã tạm dừng.

11 tuyến xe khách cố định TP. HCM đi Bình Dương sẽ được dời từ bến xe cũ ở nội đô sang bến xe Miền Đông mới

11 tuyến xe khách cố định TP. HCM đi Bình Dương sẽ được dời từ bến xe cũ ở nội đô sang bến xe Miền Đông mới

Bến xe Miền Đông mới được khánh thành từ tháng 10/2020, có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của Bến xe được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng, đã hoàn thành nhà ga trung tâm với 4 tầng trên mặt đất và 2 tầng hầm.

Sau khi khánh thành, Bến xe hoạt động không hiệu quả, vắng khách. Để tăng sản lượng hành khách, Bến xe và cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông công cộng, hoàn thiện hạ tầng… Nhờ đó, đến nay sản lượng hành khách đã tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng của Bến đạt trên 1 triệu hành khách, tương ứng khoảng 102.000 chuyến xe, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 122% sản lượng hành khách và tăng 55% chuyến đi.

Trước đó, để tạo thuận tiện cho hành khách ra, vào Bến xe Miền Đông mới, Sở GTVT TP. HCM và doanh nghiệp vận tải đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm tổ chức ô tô trung chuyển, tăng buýt kết nối bến xe; xây dựng và cải tạo hạ tầng xung quanh... Hiện, Thành phố đã cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6h đến 22h để giảm ùn tắc, tai nạn, hạn chế tình trạng "bến cóc, xe dù".

Văn Quyết

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tp-hcm-doi-11-tuyen-xe-khach-ve-ben-xe-mien-dong-moi-tu-ngay-1-8-183240704164434909.htm