TP.HCM: Dự án trăm tỉ, ngàn tỉ nhưng giải ngân bằng 0

Giám đốc Kho bạc nhà nước TP.HCM cho biết tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP thấp, thậm chí nhiều dự án tỉ lệ giải ngân bằng 0, chủ yếu rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn.

Sáng 4-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, bảy tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 năm 2022.

Tại cuộc họp, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP và các sở, ngành.

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội tháng 7-2022. Ảnh: TTBC

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội tháng 7-2022. Ảnh: TTBC

Theo báo cáo của UBND TP, đến cuối tháng 7-2022, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 8.400 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 26% tổng kế hoạch vốn giao (gần 32.000 tỉ đồng).

100 dự án tỉ lệ giải ngân bằng 0

Đại biểu (ĐB) Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, nhận định các cuộc giám sát về đầu tư công cho thấy cần tập trung bố trí kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư từ ngân sách.

Theo ông Hiếu, có nhiều dự án đáp ứng đủ các tiêu chí bố trí vốn lại không đủ điều kiện triển khai thực hiện. Ông cho rằng các dự án được HĐND 16 quận thông qua trước tháng 6-2021 đều ách tắc; trong khi đó đây đều là dự án quy mô không lớn nhưng sát với thực tiễn và nhu cầu của người dân.

“Phải chăng nên rà soát lại” – ông Hiếu nói và đề nghị các quận báo cáo để TP ưu tiên bố trí vốn từ nguồn kết dư.

ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

“Có những công trình mà TP mong muốn thực hiện nhưng kết quả giải ngân quá chậm. Hôm qua chúng tôi đi giám sát có 100 dự án tỉ lệ giải ngân bằng 0” – ông Hiếu cho biết. Ông cũng thông tin tỉ lệ giải ngân của các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như thất bại, với 12 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 10%.

Ông đề nghị các sở, ngành và UBND TP phải làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thủ tục, tài chính, quyết toán…

Phân tích thêm về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc nhà nước TP.HCM, cho biết rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn, với khoảng trên 200 tỉ đồng nhưng giải ngân thấp, chỉ dưới 10%. Trong đó chủ yếu rơi vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Cụ thể một số dự án chưa giải ngân được (tỉ lệ giải ngân bằng 0) gồm: dự án xây mới bệnh viện Nhi đồng TP được bố trí vốn 1.000 tỉ đồng; dự án cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh được đầu tư 277 tỉ đồng; công trình trung tâm triển lãm quy hoạch TP 350 tỉ đồng, BV Đa khoa Phạm Ngọc Thạch…

Ngoài ra, tỉ lệ giải ngân dưới 10% có công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bố trí vốn 200 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân 9 tỉ đồng; dự án nút giao An Phú bố trí 375 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân 15 tỉ đồng; dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 bố trí 1.990 tỉ đồng, chỉ giải ngân 3 tỉ đồng (đạt 4%); dự án Kênh Tham lương - Bến Cát bố trí 1.039 tỉ đồng, chỉ giải ngân 237 triệu đồng…

Ách tắc thẩm định giá ở quận, huyện

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP, nhìn nhận trong lĩnh vực của ngành TN&MT, có hai nguyên nhân ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công gồm công tác thẩm định giá và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ông Lê Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Ông Lê Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Theo ông Bảy, báo cáo đầu tư công trước đây thường nói nguyên nhân chậm trễ giải ngân là do sự chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá.

“Đến nay Sở TN&MT đã giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ thẩm định giá của quận, huyện. Bảy tháng đầu năm 2022, TP đã thông qua 52 dự án về giá bồi thường, không còn hồ sơ tồn đọng” – ông Bảy khẳng định và cho biết khâu bị tắc, chậm trễ là nằm ở quận, huyện; thẩm định giá không ách tắc ở TP.

Ông Bảy phân tích, pháp lý dự án hoàn thiện rất chậm, chưa kể khâu quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá có nhiều vướng mắc. Ông cho biết các đơn vị tư vấn trên địa bàn TP nhiều nhưng chất lượng không đồng đều và họ ngại tham gia thẩm định các dự án bồi thường bởi thù lao không nhiều nhưng trách nhiệm rất lớn. Trong khi đó TP không có chế tài ép buộc các công ty này phải thực hiện. Do đó, quận, huyện loay hoay tìm đơn vị tư vấn.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP cũng nhìn nhận sau khi TP có quyết định phê duyệt dự án thì lẽ ra quận, huyện phải chuẩn bị các khâu cần thiết để tiến hành phương án bồi thường, tái định cư. Nhiều trường hợp quận, huyện chậm trễ cả nửa năm, một năm khiến người dân phản ứng với giá bồi thường.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ông Trần Văn Bảy cho biết hiện nay một số địa phương nhầm giữa giá bồi thường và chính sách bồi thường. Có những khu đất nông nghiệp ở ngoại thành xác minh nguồn gốc gặp khó khăn, gây kéo dài.

Ông đề nghị Sở Tài chính quan tâm cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở quận, huyện vì nếu không củng cố ban này thì khi có dự án sẽ không thực hiện được. Tránh khoán việc vận động người dân cho Ban bồi thường này mà phải cơ cấu hệ thống chính trị để đạt hiệu quả đồng thuận cao hơn.

Cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở KH&ĐT TP.HCM rút kinh nghiệm từ kế hoạch đầu tư công năm 2022 để chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, tránh những “lọt chọt”.

Ông cũng đề nghị các ngành tập trung quyết liệt mọi giải pháp đẩy nhanh đầu tư công. “Chúng ta đã thành lập các tổ giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn rồi, thì cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn” – ông nói và cho biết sau hội nghị này TP sẽ tiếp tục ngồi lại rà soát vấn đề.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-hcm-du-an-tram-ti-ngan-ti-nhung-giai-ngan-bang-0-post692342.html