TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4
TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng để triển khai Dự án đường Vành đai 4 – công trình hạ tầng trọng điểm, tạo động lực phát triển vùng kinh tế phía Nam.
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, sáng 18/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải trình bày tờ trình của UBND TP liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM - một trong những công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.
UBND TP đề xuất HĐND TP ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án và đảm bảo bố trí đủ vốn ngân sách phục vụ thực hiện.

Hướng tuyến Vành đai 4 TP.HCM.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án khoảng 120.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 55.588 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 41.090 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, kết hợp giữa vốn nhà nước và vốn nhà đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 200 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Theo quy hoạch, dự án chia thành 2 dự án thành phần gồm: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (DATP1) và xây dựng tuyến cao tốc chính (DATP2), do từng địa phương phụ trách thực hiện phần tuyến đi qua.
TP.HCM được Chính phủ giao làm cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đầu tư, cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương. Trong đó, TP.HCM dự kiến chi khoảng 11.822 tỷ đồng cho dự án này.
UBND TP cho biết, Vành đai 4 là một trong ba đột phá chiến lược về hạ tầng của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường sẽ góp phần giảm tải cho khu vực nội đô, các trục đường hướng tâm, đồng thời tăng cường kết nối với cảng biển, sân bay quốc tế Long Thành, hình thành hành lang phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị hiện đại.
Khi hoàn thành, tuyến đường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng không gian phát triển, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho toàn vùng.