TP.HCM dự kiến đề xuất giữ lại Sở An toàn thực phẩm

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đang xây dựng phương án, và nếu Trung ương cho phép thì sẽ giữ lại Sở An toàn thực phẩm.

Chiều 26-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ ba, khóa XII. Tham dự có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trên địa bàn TP.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Mãi thông tin Đảng bộ TP.HCM sẽ còn 27 đảng bộ trực thuộc gồm 22 Đảng bộ các quận, huyện, TP Thủ Đức; Đảng bộ chính quyền; Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp; Đảng bộ Quân sự; Đảng bộ Công an và Đảng bộ Bộ đội Biên phòng TP.HCM.

“TP.HCM cũng đang xem xét, học tập đề xuất của TP Hà Nội là đề xuất có Đảng bộ khối đại học gồm Đại học Quốc gia và các đại học khác. Như vậy tổng sẽ là 28 đảng bộ” - Chủ tịch TP.HCM nói thêm.

Còn về phía chính quyền, ông Mãi cho biết Trung ương định hướng Hà Nội và TP.HCM sẽ có 15 sở.

Tuy nhiên vừa rồi thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM có đề xuất một sở đặc thù là Sở An toàn thực phẩm, TP thấy cũng rất cần thiết nên đang xây dựng phương án. Phương án 1 là tuân thủ nghiêm định hướng của Trung ương. Phương án thứ hai là đề xuất đặc thù, nếu như Trung ương cho phép thì chúng ta sẽ có 15 sở và Sở An toàn thực phẩm.

"Tất cả đang là dự kiến của TP.HCM, tinh thần là TP chấp hành nghiêm định hướng của Trung ương nhưng sẽ có đề xuất theo đặc thù của TP”- ông Mãi thông tin.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong đại biểu MTTQ TP.HCM có ý kiến góp ý cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết thực hiện chỉ đạo của Trung ương, TP.HCM có tối đa 15 sở, dự kiến giảm 6/21 sở.

“Còn giữ sở nào là thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy. Chẳng hạn như Hà Nội giữ lại Sở QH-KT, mỗi nơi mỗi khác. Hà Nội không có Sở An toàn thực phẩm, còn mình vì có Nghị quyết 98 nên có Sở An toàn thực phẩm” - ông Thuận nói.

Ông Thuận cho biết trong phương án gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, Sở Nội vụ đề xuất hai phương án, phương án 1 là thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, phương án 2 là theo đặc thù của TP.HCM.

Ngày 19-9-2023, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2024.

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của của TP và tình hình thực tiễn của địa phương.

BẢO PHƯƠNG

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-du-kien-de-xuat-giu-lai-so-an-toan-thuc-pham-post827042.html