TP.HCM: Gần 300 đầu xe bỏ bến Miền Đông mới đi đâu?
Ban quản lý cả hai bến xe đều cho rằng chỉ quản lý các xe hoạt động trong bến, còn các xe bỏ bến đi đâu, hoạt động thế nào thì không nắm được...
Bến xe Miền Đông mới hiện đã tiếp nhận thêm 79 tuyến xe khách từ bến cũ. Ở giai đoạn 2, bến mới hoạt động được hơn 1 tuần nay nhưng trong bến chỉ lác đác xe ra vào.
Câu hỏi đặt ra là các xe khách đã bỏ bến đi đâu?
Nghịch lý trong vắng, ngoài đông
Ngày 18/10, ghi nhận của PV tại bến xe Miền Đông mới, sau hơn 1 tuần di dời 79 tuyến ra bến mới nhưng trong bến rất vắng. Đây là hình ảnh tương phản với một bến xe được đầu tư hiện đại, quy mô lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á.
Cùng thời điểm, tại Bến xe Miền Đông cũ cũng không còn cảnh tấp nập như trước đây, sau khi di dời các tuyến đi miền Trung, miền Bắc ra bến mới. Bến cũ lúc này rất đìu hiu, chỉ còn các tuyến đi Tây Nguyên đang hoạt động.
Khác với cảnh vắng vẻ ở cả bến cũ và bến mới, phía bên ngoài các xe hoạt động rất nhộn nhịp, đặc biệt là chập tối, không có lực lượng chức năng đi kiểm tra. Đáng nói là trên tuyến QL1A, hướng đi ra Bến xe Miền Đông mới, trở thành điểm đón, trả khách không khác gì trong bến xe.
Quan sát của PV tại gần cầu vượt Tân Thới Hiệp, quận 12 lúc 19h ngày 18/10, chỉ trong 10 phút, có hàng chục xe khách ra vào đón, trả khách trên vỉa hè gần trạm dừng của bến xe buýt.
Đó là nhà xe An Phú (tuyến Sài Gòn – Quy Nhơn), xe Tuấn Vũ (tuyến Sài Gòn - Bình Định), nhà xe Ngân Hà có BKS 77F - 002.54 (tuyến Sài Gòn - Hà Nội), xe Tín Hương BKS 77B - 024.93 chạy tuyến (Sài Gòn – Bình Định), xe Thuận Hiếu BKS 47B - 023.03 (tuyến Đắk Lắk - Sài Gòn)…
Chạy tiếp đến chân cầu vượt Ngã Tư Ga và cây xăng Tam Bình (TP Thủ Đức), PV ghi nhận cảnh tượng xe đón, trả khách dọc đường, lộn xộn không kém ở trên.
Bà Vũ Thị Kim Phụng, nhà ở quận 12, đứng chờ xe chia sẻ: “Nhà tôi cách Bến xe Miền Đông mới 10km, nhà xe hẹn đón khách ở cầu vượt Ngã Tư Ga nên không phải chạy ra bến mới xa xôi”.
Tình trạng xe khách hoạt động đón, trả khách sai quy định không chỉ ở tuyến đường trên, ghi nhận của PV còn nhiều điểm nhà xe cũng thường đón, trả khách ở các vị trí như cây xăng 147, cây xăng Nhơn Hòa (QL13), đường Điện Biên Phủ gần ngã tư Hàng Xanh, khu vực Suối Tiên…
Gần 300 đầu xe “mất tích” mỗi ngày
Trao đổi với PV, ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) cho biết, khi chưa di dời ra bến mới, trong bến có 140 tuyến nhưng hiện nay chỉ còn hoạt động 61 tuyến, là các tuyến đi Tây Nguyên.
Khi chưa di dời, xe còn ở bến cũ thì trung bình 1 ngày khoảng 800 lượt xe ra vào (trong số này có gần 500 xe hiện đã dời sang bến mới), nhưng hiện nay bến chỉ còn khoảng 274 xe và 5.540 hành khách/ngày.
Trong khi đó tại Bến xe Miền Đông mới, thành phố đã di dời hơn 100 tuyến xe khách (cả giai đoạn 1 và 2) với số lượt xe các nhà xe đăng ký là gần 1.000 xe.
Thế nhưng điều bất thường là hiện nay trung bình mỗi ngày tại bến chỉ có 206 lượt xe đến bến với 2.600 hành khách/ngày, không đúng với số di dời là gần 500 xe phải hoạt động tại bến mới.
Với số lượng tuyến như trên, theo ban quản lý Bến xe Miền Đông mới, mỗi ngày có khoảng gần 300 chuyến xe đang “mất tích” tại bến mới.
Ban quản lý 2 bến xe đều cho rằng, bến xe chỉ có nhiệm vụ quản lý các xe hoạt động trong bến, còn việc các xe bỏ bến đi đâu, hoạt động thế nào thì không nắm được.
Ông Trần Hiếu, Giám đốc Bến xe Ngã Tư Ga (quận 12) cho biết, hiện mỗi ngày trong bến có từ 50 - 90 lượt xe ra vào, đạt 200 - 300 khách/ngày.
Còn tại Bến xe An Sương, mỗi ngày từ 220 - 300 chuyến và khoảng 2.000 hành khách/ngày (trước dịch năm 2019 là 470 - 600 chuyến/ngày).
Từ sau dịch Covid-19 đến nay, bến xe chưa khôi phục như ban đầu, hoạt động mới đạt công suất 70% so với trước kia.
Theo ông Hiếu, không có trường hợp các xe khách di chuyển từ Bến xe Miền Đông mới sang bến An Sương hay Ngã Tư Ga như thông tin đồn đại.
“Còn muốn biết các xe đi đâu thì chỉ cần khảo sát ở các tuyến đường QL13, QL1, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Điện Biên Phủ…”, ông Hiếu nói.
Lý giải nhiều xe vẫn chưa vào Bến xe Miền Đông mới, anh Trần Văn Minh, lái xe nhà xe Minh Nghĩa (tuyến Sài Gòn - Phan Thiết) cho biết, từ khi ra bến mới đến nay khách giảm hẳn, vì khách ở những quận trung tâm ngại chạy ra bến mới, thậm chí có những hành khách còn không biết bến mới nằm ở đâu.
“Nếu muốn có khách, nhà xe phải trung chuyển đưa đón tận nơi. Nhưng đâu phải nhà xe nào cũng có xe trung chuyển. Ra bến mới khách đi lại vất vả hơn do phương tiện công cộng kết nối chưa đầy đủ, giao thông chưa hoàn thiện”, anh Minh nói.
Về vấn đề này, Phòng quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang yêu cầu các bến xe báo cáo về tình hình hoạt động tại bến. Đồng thời, Sở đã giao Thanh tra kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm; có văn bản đề nghị Công an TP, UBND TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh tăng cường kiểm tra và xử lý hoạt động dừng đón, trả khách không đúng quy định.
Theo Ban quản lý Bến xe Miền Đông mới từ ngày 11/10 đến nay có 19 doanh nghiệp, HTX vận tải không hoạt động tại bến, thậm chí có những doanh nghiệp chỉ đăng ký 2 - 3 xe trong khi tại bến cũ hoạt động tới 100 xe mỗi ngày.
Những công ty không hoạt động tại bến mới điển hình như: Công ty TNHH Hai Trâm; Công ty TNHH TMDV và XD Hoa Châu; Công ty vận tải Hoàng Sơn, Hồng Sơn, Công ty TNHH Thành Bưởi; HTX vận tải Đức Linh, Hải Vân, Cửu Long, Long Khánh, Cẩm Mỹ…