TP.HCM gỡ khó khi thực hiện chương trình GDPT 2018
Hiệu trưởng sát cánh cùng giáo viên, giáo viên chủ động trong việc dạy học, thường xuyên phối hợp với phụ huynh… là những giải pháp được đưa ra để chương trình mới đạt hiệu quả.
Sáng 24-10, gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tham dự Hội thảo “Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa mới” do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức.
Nhà trường chủ động gỡ khó
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 10 cho biết, do ảnh hưởng của dịch cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình nên SGK đến tay phụ huynh trễ hơn mọi năm. Do đó, sự nghiên cứu, chuẩn bị trước và hợp tác của phụ huynh trong giáo dục bị hạn chế.
Trước những khó khăn đó, Phòng đã chỉ đạo cho hiệu trưởng, ban giám hiệu thường xuyên họp tổ chuyên môn, thăm lớp, dự giờ, kiểm tra chuyên đề ở các trường từ tuần thứ 3 để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, phòng GD-ĐT nhận ra điểm hạn chế của giáo viên hiện nay là còn mang nặng tư duy của phương pháp dạy học trước đây nên thấy áp lực khi triển khai chương trình mới.
Quận 10 kiến nghị Sở GD-ĐT TP tiếp tục tổ chức chuyên đề dạy học cấp TP để các quận, huyện trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời sớm có định hướng giảng dạy ở lớp 2 khi triển khai chương trình GDPT mới vào năm sau.
Về phía cán bộ quản lý, bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú bày tỏ: "Chương trình mới muốn đạt hiệu quả thì các trường cần phải chuẩn bị và thực hiện tốt các hoạt động sau: chọn lựa phân công giáo viên dạy lớp 1, chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, chủ động thực hiện chương trình GDPT 2018, góp ý định hướng giáo viên trong dạy học và họp tổ chuyên môn".
Bà Phượng nhấn mạnh: “Để bước đầu khả quan khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, cán bộ quản lý phải luôn theo sát giáo viên để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện, động viên kịp thời. Giáo viên cần phải tích cực, nhạy bén và dành thời gian nghiên cứu sách giáo khoa, sách giáo viên, vở bài tập và có sự kết nối giữa các môn học với nhau. Phải cho học sinh thực sự trải nghiệm trong tất cả các môn. Đồng thời nắm bắt năng lực của từng em để hỗ trợ, động viên kịp thời”.
Tương tự, ông Cao Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Đồng, quận 3 cho rằng để nâng cao chất lượng dạy chương trình mới cần đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học. Mỗi sách giáo khoa có một triết lý riêng, từ các triết lý trên, tác giả xây dựng thành các đơn vị bài học, từ đó sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay nhiều thầy cô giáo chưa tự tin, mạnh dạn, chủ động trong thiết kế bài dạy. Do đó, người quản lý cấp cơ sở phải hỗ trợ giáo viên và đồng hành cùng giáo viên.
Giáo viên: 5 giải pháp
Về phía giáo viên, cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung, giáo viên lớp 1/6, Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) cho biết, chương trình mới không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn học.
Với thời lượng tăng thêm 70 tiết so với chương trình Tiếng Việt lớp 1 trước đây, tổng số âm chữ và vần không thay đổi so với trước đây (29 chữ cái và khoảng 140 vần) thì học sinh có thêm thời gian để học tốt hơn môn Tiếng Việt.
Cả năm nhóm tác giả sách giáo khoa đều thiết kế thời gian dành cho học bài mới tối đa là 10 tiết/tuần (02 tiết/ngày). Cuối mỗi tuần hoặc mỗi nhóm vần đều bố trí các tiết thực hành, ôn tập hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng.
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 trước đây thiết kế mỗi bài học 02 tiết, học sinh học 02 âm hoặc vần mới. Năm quyển sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới, mỗi nhóm tác giả có cơ sở phân chia số âm hoặc vần mới thành các đơn vị bài học. Cả năm bộ sách, các âm và vần đều được sắp xếp từ dễ đến khó. Sách hướng cho học sinh việc học hợp tác với nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, sách giáo khoa mới có những hạn chế như nội dung sách còn nhiều chữ. Số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều làm cho việc khai thác hết ý nghĩa của câu chuyện đối với một số học sinh còn hạn chế. Học sinh lớp 1 mới vào môi trường tiểu học, chưa biết chữ và số nên cũng tạo sự khó khăn cho các em khi tiếp nhận kiến thức, đặc biệt đối với học sinh chậm tiếp thu. Giáo viên phải đọc và giải thích nhiều trong một tiết học.
Trong sách còn một vài ngữ liệu và hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng học sinh.
Do đó, để triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình mới, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa thì cần có những biện pháp sau: Giáo viên phải nắm vững yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế của SGK để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Giáo viên và nhà trường chủ động lên kế hoạch chi tiết.
Giáo viên cần tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng, đặc điểm học sinh lớp mình từ đó giáo viên điều chỉnh kế hoạch dạy học.
Đầu năm học, khi học sinh mới vào học, giáo viên nên giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy để các em làm quan với con chữ. Dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các em học sinh trong lớp ở giai đoạn đầu năm học, tránh gây áp lực cho các em.
Đối với những từ ngữ, hình ảnh trong sách không phù hợp với đặc điểm của học sinh, đặc điểm vùng miền, giáo viên có thể tìm hiểu từ các sách giáo khoa khác và thay thế. Bên cạnh đó, giáo viên cần tăng cường gặp gỡ trao đổi phối hợp với phụ huynh để giúp học sinh làm quen, hòa nhập với môi trường. Lắng nghe phản ánh từ phụ huynh, ghi nhân những vướng mắc để cùng trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ.
Chia sẻ tại hội nghị, một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1 cho hay, đối với chương trình mới, chị không cho bé học trước. Vì thế, thời gian đầu, bé rất khó tiếp thu, đi học về bé toàn đòi học lại trường mầm non. Tuy nhiên từ tuần thứ 2, bé đi học về rất thích thú, còn nắm được các bài. Điều đó, có thể thấy, phương pháp giáo dục của cô quyết định rất lớn đến việc nắm bắt của con. Cô cũng thường xuyên liên hệ với phụ huynh để có sự hỗ trợ.
Hiệu trưởng sát cánh cùng giáo viên
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thừa nhận khi triển khai chương trình mới, các trường đều gặp khó khăn trong thời gian đầu.
Lý do dịch COVID-19 cho nên hầu hết các trẻ mầm non không được làm quen chương trình tiểu học cũng như thiếu thời gian để thầy cô giáo lớp 1 dạy học sinh làm quen với chuẩn bị cho việc học lớp 1. Cho nên học sinh viết không đúng độ cao, không đúng ô ly, không tròn chữ. Đến thời điểm này, giai đoạn khó khăn đã qua.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT có thể kết quả học tập của học sinh đợt này sẽ không bằng năm trước nhưng không nên so sánh như thế. Bởi chương trình khác nhau, yêu cầu của chương trình cũng có nhiều điểm khác, cần có tính quá trình.
Theo ông Hiếu, đối với chương trình mới, giáo viên được quyền chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bài học. Hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho giáo viên làm được điều đó.
Chương trình không có bài, không có tiết, không quy định phân phối chương trình. Giáo viên trên cơ sở khung chương trình dạy học và thời lượng của từng môn học thì thiết kế bài học phù hợp với tình hình thực tế. Việc chủ động xây dựng kế hoạch của tổ bộ môn rất quan trọng trong đó vai trò của từng giáo viên đối với lớp mình dạy là quyết định và chủ động.
Đối với ngữ liệu dạy học, nếu thấy không phù hợp, giáo viên có thể chủ động thay đổi. Sách giáo khoa là tài liệu cơ bản và chủ yếu để giáo viên dùng để xây dựng kế hoạch dạy học. Nó không phải là bắt buộc, không còn là pháp lệnh.
Sau giáo viên, Hiệu trưởng là người quan trọng thứ hai để thực hiện hiệu quả chương trình. Hiệu trưởng phải cùng dạy với giáo viên mới biết giáo viên gặp khó khăn sao. Hiệu trưởng phải thường xuyên dự giờ theo định hướng về chuyên môn để góp ý về hoạt động học của học sinh. Hiệu trưởng các trường phải gần với giáo viên lớp 1 để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho giáo viên.
Đối với phòng GD&ĐT các quận, huyện, đặc biệt các quận đông dân, lãnh đạo các phòng phải cùng với phòng kế hoạch tài chính các quận tham mưu UBND quận/ huyện để thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày, hạn hữu lắm mới áp dụng kế hoạch dạy học hơn 5 buổi/tuần.
Các phòng GD&ĐT cũng cần quan tâm đến trang thiết bị dạy học. Hiện nay đã có thiết bị nhưng phải dùng sao cho hiệu quả, đó là trách nhiệm của phòng giáo dục. Phòng phải tổ chức chỉ đạo việc tập huấn sử dụng, đặc biệt đối với các lớp đầu cấp.
Việc triển khai tập huấn giáo viên còn 3 modul, phòng GD&ĐT cần phải chủ động. Hiện nay về vấn đề kinh phí tập huấn, Sở GD&ĐT và TP cũng kiến nghị Trung ương về Thông tư 36/2018 để có cơ sở bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên phòng GD&ĐT tự chủ động, trước khi Sở có đề án về bồi dưỡng.