TP HCM: Hai bản án gây bất bình bị tố có nhiều vi phạm về tố tụng

Ngoài bị cho là còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, 2 bản án của TAND huyện Bình Chánh và TAND TP HCM còn bị tố vi phạm các quy định về tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mảnh đất 200,2 m2 cho đến nay vẫn là mảnh đất trống, bên cạnh là đất mộ

Mảnh đất 200,2 m2 cho đến nay vẫn là mảnh đất trống, bên cạnh là đất mộ

Mập mờ trong xác định các tranh chấp

Liên quan đến vụ tranh chấp QSDĐ đối với hơn 200 m2 (thửa 631, tờ bản đồ số 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), hồ sơ vụ án cho thấy, diện tích đất này nằm trong khu đất có diện tích hơn 518m2 (thửa 176, tờ bản đồ số 05). Như vậy, thửa 176 trong thực tế gồm có 2 thửa nhỏ, gồm thửa có diện tích 200 m2 (đất trống), thửa còn lại nằm bên cạnh có diện tích 318,7 m2 (đất thổ mộ).

Hai bản án cấp sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào Báo cáo số 696/BC-TTH ngày 16/12/2015 của Thanh tra huyện Bình Chánh để cho rằng, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSDĐ phần đất 200 m2 cho bà Nguyễn Thị Trái, phần đất này có tranh chấp giữa bà Trái với bà Phan Thị Sấm và ông Trần Văn Tư.

Báo cáo này dựa vào Biên bản hòa giải ngày 04/3/2010 và 31/3/2010 của UBND xã Vĩnh Lộc A. Tuy nhiên, năm 2010 nội dung tranh chấp không hề liên quan đến quyền sử dụng phần đất thửa 200m2, tức phần đất để trống.

Cụ thể, tranh chấp giữa bà Trái với bà Sấm xuất phát từ việc kê khai đất nhầm lẫn. Tại biên bản ngày 4/3/2010, UBND xã Vĩnh Lộc A đã đưa ra kết luận: “Phần đất trên thuộc về ông Phan Văn Lai (cha chồng bà Trái-PV). Vì vậy con cháu của ông Lai được thừa hưởng”. Bà Sấm sau đó ký tên và không có ý kiến gì.

Đối với tranh chấp giữa bà Trái với ông Tư là do ông Tư tự ý xây dựng nhà trái phép trên phần đất 318 m2, phần đất mộ nơi có hơn 10 ngôi mộ của gia tộc bà Trái. Tại biên bản ngày 31/3/2010, ông Tư cho rằng, “khi gia đình tôi cất nhà trên phần đất trên tôi có sự đồng ý của bà Trái”.

UBND xã Vĩnh Lộc A kết luận phần đất trên thuộc sở hữu bà Trái, đề nghị ông Tư dọn dẹp cây trồng trả lại đất, tuy nhiên ông Tư không đồng ý trả đất. Biên bản hòa giải không thành. Biên bản thể hiện đất tranh chấp là diện tích 518 m2, tuy nhiên thực tế việc xây dựng công trình, sử dụng đất của ông Tư là ở mảnh 318,7 m2, còn thửa bên cạnh 200,2 m2 cho tới hôm nay vẫn trống không.

Tranh chấp này sau đó được bà Trái khởi kiện ra tòa, diện tích tranh chấp nói rõ là 318,7 m2. Nội dung này thể hiện rõ tại trang 2, phần “Nhận thấy” của Quyết định số 654/2013/QĐ-PT ngày 14/5/2013 của TAND TP HCM, nội dung giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ vụ án của TAND huyện Bình Chánh.

Tuy nhiên, Thanh tra huyện Bình Chánh đã không rạch ròi được đối tượng đất tranh chấp, hai phần đất được nhập làm một. Với việc khẳng định thời điểm cấp 200,2 m2 đất cho bà Trái là có “xảy ra tranh chấp”, thanh tra huyện đã phủ nhận lại hoàn toàn xác nhận của UBND xã Vĩnh Lộc A và kết quả làm việc của Phòng TN&MT Bình Chánh, UBND huyện Bình Chánh.

“Xã đã hai lần hòa giải tranh chấp đất, có biên bản hẳn hoi, vì sao lại xác nhận là đất không tranh chấp, đó là vì bà Trái xin cấp sổ với mảnh đất nằm cạnh phần đất tranh chấp. Hơn nữa, việc cấp sổ đỏ cho bà Trái năm 2011 là hoàn toàn minh bạch, công khai, niêm yết rõ ràng lại không ai đứng ra tranh chấp, phản đối”, ông Nguyễn Văn Hùng không đồng tình với kết quả thẩm tra của Thanh tra huyện Bình Chánh.

Ngoài ra, ông Hùng đề nghị xem xét lại giá trị pháp lý của Báo cáo số 696/BC-TTH ngày 16/12/2015 của Thanh tra huyện Bình Chánh, bởi đây chỉ là văn bản lưu hành nội bộ, không được công khai. Bà Trái là người đứng tên trên sổ đỏ bị thẩm tra, ông Hùng là chủ sở hữu đất hợp pháp tại thời điểm thẩm tra nhưng không hay biết gì. Và UBND huyện Bình Chánh cũng không hề kết luận về kết quả thẩm tra này là đúng hay sai.

Phía bà Trái đã tố cáo liên quan đến kết quả thẩm tra sổ đỏ

Phía bà Trái đã tố cáo liên quan đến kết quả thẩm tra sổ đỏ

Tòa bị tố bịa lời đương sự, vi phạm tố tụng

Ông Hùng cho biết, ông chỉ yêu cầu Tòa công nhận sổ đỏ và QSDĐ đối với mảnh đất ông mua ngay tình, không hề yêu cầu Tòa giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên cả 2 bản án vẫn giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Cụ thể, Tòa buộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Trái là những người con của bà, phải hoàn trả lại ông Hùng số tiền là 400 triệu đồng mà bà Trái đã nhận của ông khi bán đất.

“Ngoài yêu cầu độc lập là công nhận QSDĐ, công nhận sổ đỏ hợp pháp đối với 200,2 m2 tôi mua của bà Trái ra, tôi không có bất cứ yêu cầu nào về việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu và Tòa sơ thẩm cũng chưa từng giải thích hay hướng dẫn gì cho tôi về điều này. Ngoài ra, các đương sự khác cũng không ai có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu”, ông Hùng bức xúc.

Ông Hùng cho rằng Tòa làm như vậy là vượt quá phạm vi yêu cầu giải quyết của đương sự, làm ông không thể thực hiện được quyền chứng minh thiệt hại của mình trong vụ án này.

Ông Hùng cũng cho rằng, HĐXX sơ thẩm tự ý thay đổi lời trình bày của ông. Cụ thể, Bản án 107/2018/DS-ST ngày 19/6/2018 có ghi: “Trường hợp Tòa án không công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông với bà Nguyễn Thị Trái thì ông yêu cầu các người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bà Trái… trả lại cho ông số tiền mà bà Trái đã nhận theo quy định của pháp luật”.

Trong khi tất cả các biên bản hòa giải, biên bản phiên họp tiếp cận và công khai chứng cứ, đơn yêu cầu độc lập của ông Hùng và trong phiên tòa đều không thể hiện ông có ý kiến như trên. “Hành vi của HĐXX cấp sơ thẩm là lạm quyền, cố tình làm sai lệch bản chất sự việc, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi nhưng Tòa phúc thẩm không xem xét”, ông Hùng bức xúc.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, Tòa buộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Trái phải trả tiền bán đất cho ông nhưng chưa xác minh việc bà Trái lúc mất có để lại di sản gì hay không. Điều này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các con bà Trái, trái với quy định tại Bộ Luật Dân sự.

“Tôi mua đất là hoàn toàn hợp pháp, thời điểm mua thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không có bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào ngăn chặn giao dịch mua bán, đồng thời không có tranh chấp. Việc mua bán trên cơ sở sổ đỏ chính quyền cấp cho bà Trái, do đó quyền lợi của tôi phải được bảo vệ”, ông Hùng yêu cầu.

Luật sư Tạ Minh Trình – Đoàn luật sư TP HCM đưa ra nhận định, Báo cáo 696/BC-TTH ngày 16/12/2015 của Thanh tra huyện Bình Chánh chưa phản ánh hết bản chất vụ việc. Thực tế giữa bà Trái và ông Tư chỉ tranh chấp 318,7 m2 (phần đất mộ), không có tài liệu nào thể hiện tranh chấp diện tích 200,2 m2. Quá trình thẩm tra việc cấp sổ đỏ chỉ là kết luận từ đơn vị thanh tra chứ không có bất cứ kết luận nào của UBND huyện Bình Chánh về vấn đề này, thậm chí kết luận này chỉ lưu hành nội bộ, do đó sử dụng kết luận này để giải quyết tranh chấp là chưa phù hợp quy định pháp luật.

Luật sư Tạ Minh Trình đã chỉ ra nhiều khuất tất mà 2 bản án vẫn chưa làm sáng tỏ

Luật sư Tạ Minh Trình đã chỉ ra nhiều khuất tất mà 2 bản án vẫn chưa làm sáng tỏ

Vấn đề nữa, quá trình giải quyết vụ án ông Hùng không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả đối với hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, cả hai cấp tòa cho rằng ông Hùng có đưa ra yêu cầu này. Tòa làm như vậy là không đúng quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quyền tự định đoạt của đương sự theo khoản 1 Điều 5, Bộ Luật Tố tụng dân sự, trái với hướng dẫn tại Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 138 Bộ Luật Dân sự 2005, cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định cấp sổ đỏ cho bà Trái vẫn chưa bị hủy bỏ bởi bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào. Giao dịch giữa ông Hùng và bà Trái được thực hiện đúng pháp luật, ông Hùng cũng đã được cấp sổ đỏ. Như vậy, việc tuyên hủy bỏ giao dịch giữa ông Hùng và bà Trái theo luật sư là trái luật.

Đại Chơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/tp-hcm-hai-ban-an-gay-bat-binh-bi-to-co-nhieu-vi-pham-ve-to-tung-460480.html