TP.HCM: Hạn chế tối đa phát triển mới ở khu trung tâm

Cho ý kiến về về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, HĐND quyết là vùng nào không ưu tiên phát triển dân cư thì kiên quyết không đầu tư hạ tầng.

Sáng 19-5, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) để biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đáng chú ý tại kỳ họp này, HĐND TP đã cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (viết tắt là quy hoạch chung).

Tránh đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết quy hoạch chung dự kiến được phê duyệt chậm nhất vào cuối tháng 9-2024.

 Đại biểu HĐND TP thông qua các nghị quyết tại kỳ họp vào sáng 19-5. Ảnh: THUẬN VĂN

Đại biểu HĐND TP thông qua các nghị quyết tại kỳ họp vào sáng 19-5. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Mãi cũng phản hồi ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp trong cách tính toán dân số giữa quy hoạch chung và đưa ra những lý giải cụ thể. Theo đó, dân số toàn TP hiện là 12-13 triệu người nhưng số liệu chính thức chỉ gần 10 triệu người do có sự chênh lệch là số dân vãng lai. Trong 10 năm qua, tỉ lệ chênh lệch dân số vãng lai khoảng 25%-30%.

Dự báo đến năm 2030 dân số toàn TP sẽ là 11 triệu người, năm 2040 sẽ là 13 triệu người, năm 2050 sẽ là 14,5 triệu người và đến năm 2060 sẽ là 16 triệu người. Chủ tịch UBND TP cho rằng các số liệu này phải cộng thêm 25%-30% dân số vãng lai.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: T.VĂN

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: T.VĂN

Chủ tịch UBND TP cho rằng việc tính toán tăng dân số phải được đặt trong tương quan phát triển TP. Do đó, cần tính toán có chừng mực để tránh đầu tư hạ tầng lớn nhưng hiệu quả phục vụ không cao.

Với năm phân vùng đô thị trong đồ án điều chỉnh, ông Phan Văn Mãi cho rằng đều phải hình thành khu đô thị gần như hoàn chỉnh, đặt mục tiêu 60% chức năng đô thị phải được thực hiện tại chỗ. Ông Mãi đồng thời nhấn mạnh cần lưu ý giải quyết cả các điểm nghẽn trong thời gian qua, chủ yếu là về giao thông.

Trong quy hoạch lần này, TP cũng tính toán khu trung tâm hiện hữu hạn chế tối đa việc phát triển mới. Trong khi đó, không gian dọc sông Sài Gòn là động lực mới, điểm nhấn cho quy hoạch lần này.

“Không gian dọc sông Sài Gòn không đặt nặng hoạt động kinh tế mà tập trung tạo thêm một không gian phát triển, là điểm nhấn của quy hoạch chung TP.HCM” - ông Mãi nói và yêu cầu các quận, huyện phải lưu ý vùng nào không ưu tiên phát triển dân cư thì kiên quyết không đầu tư hạ tầng.

Theo ông Mãi, nếu cứ dễ dãi cho phát triển dân cư rồi sau đó đầu tư đường, điện, nước… thì rất khó. Nơi nào là đô thị thì tập trung làm hạ tầng cho tốt, phần còn lại là không gian dành cho nông nghiệp, sinh thái, tự nhiên để dự trữ cho tương lai.

Chốt 5 loại lệ phí “0 đồng”

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch TP.HCM có vai trò vô cùng quan trọng, là công cụ định hướng để TP chỉ đạo quản lý, điều hành quá trình phát triển TP, là căn cứ quan trọng để xây dựng các kế hoạch phát triển cho TP.

Bà Lệ yêu cầu UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực của Trung ương và địa phương với các nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp.

Ngoài vấn đề quy hoạch, các đại biểu HĐND TP cũng cho ý kiến và thông qua nghị quyết về quy định mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP.

Theo đó, TP đề xuất mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến bằng 0% (hình thức 0 đồng) đối với năm loại lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.HCM. Cụ thể là lệ phí hộ tịch; lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Quy định này sẽ được áp dụng cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến từ ngày 29-5-2024 đến hết năm 2025.

Các đại biểu HĐND TP cũng thông qua tờ trình về dự án tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, dự án do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư 350 tỉ đồng từ ngân sách TP, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2026.

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp một đoạn Quốc lộ 50, đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến đường số 10 (huyện Bình Chánh) và một đoạn Tỉnh lộ 15 (huyện Củ Chi). Đường chui dưới dạ cầu Phú Hữu phía vòng xoay Liên Phường (TP Thủ Đức) cũng được cải tạo, nâng cấp và đường gom cầu Kênh Tẻ (phía quận 7) sẽ được xây mới. Đồng thời, TP sẽ xây hai cầu bộ hành trên Quốc lộ 1K (TP Thủ Đức) và trên Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).

TP.HCM có hai tân phó chủ tịch UBND

Tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM đã tiến hành miễn nhiệm hai chức danh phó chủ tịch UBND TP.HCM đối với ông Ngô Minh Châu và ông Dương Anh Đức. Trước đó, ông Dương Anh Đức được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM điều động, phân công, chỉ định làm bí thư Quận ủy quận 1. Ông Ngô Minh Châu được điều động, phân công, chỉ định giữ chức trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.

Ông Dương Ngọc Hải, tân phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TV

Bà Trần Thị Diệu Thúy, tân phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TV

Sau đó, HĐND TP cũng tiến hành bầu bổ sung chức danh phó chủ tịch UBND TP.HCM đối với ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp cũng tiến hành bầu bổ sung ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, làm ủy viên UBND TP.HCM.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-han-che-toi-da-phat-trien-moi-o-khu-trung-tam-post791350.html