TP HCM: Hàng loạt chung cư tái định cư kêu cứu
Hàng loạt chung cư tái định cư ở TP HCM xuống cấp, ảnh hưởng cuộc sống cư dân, trong khi có đến 14.000 căn hộ tái định cư tồn đọng
Hơn chục năm sống ở chung cư tái định cư (TÐC) Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP HCM), ông Võ Thành Trí (62 tuổi) nhớ từng mốc thời gian các công trình ở chung cư xuống cấp. Nói về nơi đang ở, ông tóm gọn: "Nếu không thuộc diện bị giải tỏa thì có nài nỉ ông cũng không mua chung cư này!".
Hỏng tứ bề
Ông Trí kể đường vào chung cư hiện có đến 21 "ổ gà" nên việc cư dân bị té xe diễn ra thường xuyên. Thế nhưng, nỗi khổ trên đường về nhà không thấm vào đâu so với nỗi khổ trong chính tòa nhà chung cư đã và đang xuống cấp trầm trọng. "Ðụng đâu hư đó. Có người nói vui, không bức xúc không phải là nhà TÐC. Bốn bức tường nhà tôi giờ đây tróc sơn, thấm nước, mùi thối xộc lên ở hệ thống nhà vệ sinh" - ông Trí bức xúc nói. Ông kể lúc mới nhận căn hộ mọi thứ như mới nhưng khi vừa ở được vài ngày thì quạt ở trần nhà rớt xuống, bồn cầu bị nứt. Căn hộ của ông không phải là cá biệt mà hầu hết căn nào cũng như vậy. "Sự bức xúc được hàng trăm cư dân gửi đến cơ quan chức năng từ 10 năm nay nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm" - ông Trí cho hay.
Tương tự, tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), chuyện hỏng thang máy, nứt tường và hệ thống PCCC xuống cấp thường xuyên diễn ra. Thế nhưng, người dân biết nguy hiểm vẫn phải "cắn răng" để ở. "Nói thật, nếu cho chọn lại phương án đền bù giải tỏa thì tôi chọn việc nhận tiền rồi thuê nơi khác ở, chứ ở đây 5 năm đã hơn 20 lần hú vía vì thang máy đứt cáp, nước ở tầng trên thấm xuống tầng dưới. Ði phản ánh thì không biết gõ cửa đơn vị nào" - bà Lê Thị Khả (54 tuổi, căn hộ tầng 9) phàn nàn. Bà cho biết thêm sớm muộn gì cũng phải bán căn hộ này để lấy tiền đi nơi khác sống.
Còn ở chung cư nằm trong khu TÐC Lý Chiêu Hoàng (quận Bình Tân) từ lâu người dân đứng ngồi không yên khi hiện tượng sụp lún nền xảy ra khiến một số bức tường xuất hiện vết nứt.
Thực trạng các chung cư TÐC vừa mới xây dựng và bố trí người dân vào ở một thời gian ngắn đã xuống cấp hiện nay không phải là hiếm. Kết quả thống kê từ Sở Xây dựng cho thấy có hơn 10 chung cư TÐC rơi vào tình cảnh như vậy. Ðó là các chung cư An Phú, An Khánh (quận 2), Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Nguyễn Biểu (quận 5)… Việc chung cư xuống cấp khiến cho công tác giải tỏa, bố trí người dân về nơi ở mới gặp nhiều khó khăn.
Khắc phục cách nào?
Nói về hiện tượng sụp lún khiến tường nứt của chung cư nằm trong khu TÐC Lý Chiêu Hoàng, UBND quận Bình Tân thừa nhận khi đưa vào sử dụng 3 năm đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như tầng trệt lún, gạch bong, nước thấm và hạ tầng chưa kết nối. "Hơn 10 năm qua, đơn vị thi công khắc phục bằng cách chắp vá. Nhiều người đến đây ở rồi cũng rời đi vì lo lắng về sự thiếu an toàn" - UBND quận Bình Tân thông tin.
Còn chung cư TÐC Thạnh Mỹ Lợi thì được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2009 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 2 chịu trách nhiệm quản lý. Nhiều năm qua, các đợt bầu ban quản trị đều gặp khó khăn khi không ai dám ứng cử, bởi chung cư đã hư hỏng và phí bảo trì không có. "Từng có đề xuất tất cả cư dân đóng góp 100 triệu đồng để thuê đơn vị bảo trì. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối nên phương án này chưa thực hiện" - báo cáo của Sở Xây dựng nêu rõ.
Theo Sở Xây dựng, tình trạng các chung cư TÐC đưa vào sử dụng thời gian ngắn (dưới 10 năm) đã có dấu hiệu xuống cấp một phần do có thời gian TP đẩy mạnh phát triển các dự án này nhằm bảo đảm số lượng nhà ở cho người dân khi chỉnh trang lại đô thị. Kế đến là đơn giá xây dựng có giai đoạn đưa ra khá rẻ, chỉ chừng 2-3 triệu đồng/m2 khiến chất lượng giảm theo. Trong khi đó, một số dự án khác đã xây dựng xong không có người ở, dẫn đến việc xuống cấp theo thời gian. "Theo thống kê mới nhất, TP đang tồn khoảng 14.000 căn hộ TĐC và đang trong kế hoạch tổ chức đấu giá" - Sở Xây dựng thông tin.
Trước thực tế trên, Sở Xây dựng TP đưa ra giải pháp UBND quận - huyện mời các đơn vị liên quan để lên phương án sửa chữa. Trong đó, kinh phí một phần người dân đóng góp, chủ đầu tư và nhà nước hỗ trợ. "Về lâu về dài sẽ định hướng giao cho tư nhân thực hiện các dự án chung cư TÐC; đối với các dự án quy mô lớn trên 10 ha, dành 20% diện tích làm nhà ở xã hội và bố trí TÐC cho người dân; giám sát chặt và bắt buộc kiểm định, nghiệm thu trước khi cho người dân vào ở" - Sở Xây dựng TP nhấn mạnh.
Doanh nghiệp không mặn mà mua lại căn hộ TÐC
Bà Trần Bích Thúy, Giám đốc Công ty Công nghệ Bất động sản Rivew, cho biết TP HCM từng tổ chức đấu giá bán các căn hộ thuộc dự án TÐC nhưng ít nhất 3 lần gần như không có doanh nghiệp nào tham gia. "Lý do là khi mua các dự án nói trên, doanh nghiệp nặng tâm lý lo lắng về chất lượng công trình. Ngoài ra, người mua cũng không mặn mà lựa chọn một công trình đã xây dựng nhiều năm rồi bỏ hoang. Hầu hết các doanh nghiệp mong muốn tự xây dựng và phát triển sản phẩm riêng mang dấu ấn của công ty" - bà Thúy phân tích.