TP.HCM: Hàng rào bảo vệ đường sắt hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Do chưa có kinh phí sửa chữa hàng rào bảo vệ đường sắt đã trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, một số phường đã thực hiện biện pháp sơn sửa, hàn nối, dùng lưới B40 rào chắn… để đảm bảo an toàn.

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân tại TP.HCM cho biết hiện nay hàng rào bảo vệ đường sắt ở khu vực quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông đường sắt.

 Một đoạn hàng rào đường sắt thuộc phường Linh Đông, TP Thủ Đức. TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ

Một đoạn hàng rào đường sắt thuộc phường Linh Đông, TP Thủ Đức. TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ

Video: TP.HCM: Hàng rào bảo vệ đường sắt hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro

"Chỗ có, chỗ không, chỗ có cũng như không!"

Theo ghi nhận của PV, trên tuyến đường sắt thuộc địa phận phường Hiệp Bình Chánh, phường Linh Đông (TP Thủ Đức), phường 13 (quận Bình Thạnh), dãy hàng rào bảo vệ đường sắt bằng bê tông đã rất cũ kỹ, hư hỏng, sập đổ tạo thành đống phế liệu.

Anh NP ngụ TP Thủ Đức cho biết, hiện nay hàng rào bằng bê tông này đã không còn giá trị sử dụng, chúng bị hư hại nghiêm trọng, chiều cao của hàng rào cũng không còn được đảm bảo an toàn.

“Chỗ có, chỗ không, chỗ có cũng như không! Nhà nào có trẻ con phải thật cẩn thận, không có hàng rào bảo vệ nhỡ đâu chúng chạy vào đó thì không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra. Hy vọng các đơn vị, chính quyền sớm có phương án sửa chữa để tránh những nguy hiểm đáng tiếc xảy ra” - anh P nói.

Tương tự chị NTTT, người dân sinh sống tại TP Thủ Đức cũng cho biết hàng rào bảo vệ đường sắt bằng bê tông đã bị xuống cấp hàng chục năm nay, nhiều người dân còn lợi dụng việc đó để thực hiện mục đích cá nhân.

“Tôi thấy một đoạn đường sắt ở phường Hiệp Bình Chánh đã được rào lại bằng lưới B40 để đảm bảo an toàn, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà người dân lại được đi vào hàng rào đó để trồng cây, phơi đồ, để vật liệu xây dựng…” – chị T nói.

 Người dân để đồ phía bên trong hàng rào bằng lưới B40. Ảnh: HUỲNH THƠ

Người dân để đồ phía bên trong hàng rào bằng lưới B40. Ảnh: HUỲNH THƠ

Một người dân khác tại quận Bình Thạnh cũng cho hay, từ khi về khu vực gần đường sắt sinh sống đã không còn thấy bóng dáng của hàng rào bảo vệ hành lang, chỉ thấy những trụ bê tông chất thành đống, bên cạnh là những bãi rác nhỏ tự phát.

 Trụ bê tông hàng rào đường sắt tạo thành nhiều đống phế liệu. Ảnh: HUỲNH THƠ

Trụ bê tông hàng rào đường sắt tạo thành nhiều đống phế liệu. Ảnh: HUỲNH THƠ

Không có kinh phí sửa chữa

Tại TP.HCM, hàng rào bảo vệ đường sắt có tổng chiều dài xây dựng là 10,2 km được đầu tư bởi nguồn vốn của UBND TP, thuộc công trình “Bảo đảm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn quận 3, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức", chủ đầu tư là Khu quản lý giao thông đô thị.

Các đoạn hàng rào được xây dựng và hoàn thành năm 2006, qua quá trình khai thác sử dụng, đến nay công trình đã xuống cấp, hư hỏng, mất mỹ quan đô thị, một số đoạn hàng rào bị người dân tháo dỡ.

Để phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt và triển khai thực hiện Quyết định 358 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, Kế hoạch 3236 của UBND TP.HCM, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã giao Chi nhánh Khai thác Đường sắt Sài Gòn là đầu mối thực hiện.

Theo đó, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Sài Gòn cho biết hiện nay đã có kiến nghị về việc sửa chữa, tu bổ hàng rào, hành lang bảo vệ đường sắt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn chưa có nguồn kinh phí.

Trong thời gian chờ đợi, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Sài Gòn đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an toàn đường sắt, tuyên truyền đến người dân, xử lý các trường hợp vi phạm…

Về phía địa phương, trước thực trạng mà người dân phản ánh, đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cũng cho biết vào năm 2023, UBND phường đã dùng nguồn vốn xã hội hóa thực hiện rào lưới B40 tại một đoạn đường Kha Vạn Cân, cập bên hông tuyến đường sắt, ngay vị trí hàng rào bị xuống cấp để đảm bảo an toàn giao thông. Kinh phí thực hiện mô hình này khoảng hơn 130 triệu đồng.

“Việc người dân phản ánh tình trạng đã rào lưới B40 nhưng một số người dân vẫn đi vào trong sử dụng phần đất thực hiện mục đích các nhân như để đồ, phơi đồ, để vật liệu xây dựng, trồng cây... là do có quá trình kê khai sử dụng, thậm chí được cấp giấy chứng nhận nên việc sử dụng đó là đúng, phường không thể xử lý.

Phường chỉ có thể vận động người dân, còn những trường hợp trước đây tự ý lấn chiếm, đổ rác đã được phường xử lý và những hành vi trên cũng chấm dứt kể từ khi rào lưới” – đại diện UBND phường nói.

Địa phương chủ động duy tu, sơn sửa hàng rào

Khác với khu vực TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, đoạn hàng rào bảo vệ đường sắt tại tuyến đường thuộc quận 3, quận Phú Nhuận có chất lượng khá hơn.

Lý giải về nguyên nhân này, bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, cho biết lãnh đạo các địa phương đã có kiến nghị việc tu bổ, sửa chữa hàng rào đường sắt tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì chưa có kinh phí.

Trước tình hình đó, UBND phường 11 đã chủ động duy tu những trụ cột hàng rào; hàn lại những thanh sắt gãy; sơn lại hàng rào để trông mới hơn, không thấy sự cũ kỹ, xuống cấp.

Bên cạnh đó, UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong việc đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.

HUỲNH THƠ - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-hang-rao-bao-ve-duong-sat-hu-hong-nang-tiem-an-nhieu-rui-ro-post802149.html