TP.HCM hào phóng đổi cho doanh nghiệp 5 khu 'đất vàng' lấy đoạn đường hơn 2,7km
5 khu đất 'vàng mười' tổng diện tích lên tới hơn 3ha được UBND TP.HCM dự kiến dùng để thanh toán cho doanh nghiệp làm dự án BT là đoạn đường dài 2,75km.
4 lô đất tổng diện tích hơn 3ha thuộc KĐT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) vừa được đấu giá thành công với số tiền hơn 37.000 tỷ đồng khiến dư luận chưa hết xôn xao. Thì nay một doanh nghiệp làm dự án BT là đoạn đường chỉ dài 2,75km nhưng lại được UBND TP.HCM dự kiến dùng 5 khu đất cũng thuộc dạng "vàng mười" với giá trị hàng nghìn tỷ đồng để đổi khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Dành gần 3,5ha "đất vàng" cho 2,75km đường?
Liên doanh Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái (Văn Phú - Bắc Ái) được UBND TP.HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,75km với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Dự kiến tuyến đường này sẽ đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công.
Theo Hợp đồng BT ký ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM dự kiến sẽ dùng 5 khu đất để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: 234 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, rộng 643m2; khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh rộng 7.200m2; khu đất 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân rộng12.240m2; khu đất 132 Đào Duy Từ, quận 10, rộng 10.618,5m2; khu đất 12 Kỳ Đồng, quận 3, rộng 940m2; khu đất 42 Trương Định, quận 3, rộng 807m2.
Chưa hết, trong báo cáo gửi UBND TP.HCM ngày 9/7/2021, Sở TN&MT TP.HCM còn tiếp tục kiến nghị TP.HCM bổ sung thêm khu đất số 257 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) diện tích 2.524m2 vào quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư Liên doanh Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái.
Theo khảo sát, giá đất đang giao dịch cùng khu vực có những khu đất trên là là khoảng 250 - 350 triệu đồng/m2 tại quận 10; từ 280 - 380 triệu đồng/m2 tại quận Bình Thạnh; từ 80 - 150 triệu đồng/m2 khu vực quận Bình Tân.
Như vậy, tính đến thời điểm này quỹ đất vàng được “xí trước” dự kiến dùng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT có tổng diện tích vào khoảng 3,5ha. Theo ước tính sơ bộ của các nhà môi giới bất động sản, riêng quỹ đất khổng lồ này chỉ cần sang nhượng đã có giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng, chưa tính lợi nhuận nếu đầu tư, hoàn thiện các dự án nhà ở thương mại.
Nhà nước chịu thiệt, dân chịu khổ, “lợi lộc” ai hưởng?
Đáp lại những sự “ưu ái” về quỹ đất vàng khổng lồ là đại công trường ngổn ngang, một dự án chỉ 2,75km đường nhưng làm mãi 5 năm chưa xong, “năm lần, bảy lượt” Liên doanh Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái gia hạn tiến độ nhưng người dân vẫn chưa có đường đi.
Tại khu vực dự án này, bê tông, cốt thép phơi nắng, đội sương bao năm tháng dần trở thành một mớ hỗn độn, hoen gỉ; công tác đền bù giải phóng mặt bằng bỏ dở giữa chừng.
Thậm chí, như thông tin PV có được, dù tiến độ ì ạch và chưa được Nhà nước giao đất nhưng Liên doanh Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái đã bất chấp nhận tiền, ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một trong những khu đất trong Hợp đồng BT cho bên thứ 3 là Cty TNHH Joming với giá 370 tỷ đồng.
Dù con đường chưa làm xong, cây cối cỏ dại mọc um tùm nhưng Liên doanh Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái vẫn liên tục kiến nghị tới UBND TP.HCM cho gia hạn thời gian thi công, ký thêm các phụ lục. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn tiếp tục "đòi" UBND TP.HCM thanh toán quỹ đất rồi mới tiếp tục thi công con đường.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Trần Khắc Tâm cho biết, thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều dự án BT dang dở, thi công cầm chừng và tiếp tục trì hoãn tiến độ hoàn thành. Nếu không hối thúc khắc phục những sai sót, vi phạm đã phát hiện; không khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuyển giao để tiếp tục hoàn thành những phần việc đang còn dang dở, sớm hoàn thành, đưa công trình thuộc dự án BT vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước sẽ tiếp tục bị thiệt hại.