TP.HCM hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
85.036 thí sinh đã được lấy mẫu xét nghiệm, đạt tỷ lệ 95,26% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi (89.275 thí sinh), cùng với đó, có 15.785 cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi cũng được lấy mẫu.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận thêm 922 ca mắc mới, gồm 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 914 ca ghi nhận trong nước.
Địa phương có số ca mắc cao nhất trong nước là Thành phố Hồ Chí Minh với 714 ca; tiếp đó đến Bình Dương (38 ca), Phú Yên (37 ca), Đồng Nai (32 ca)...
Trong số này có 792 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 3/7, Việt Nam đã ghi nhận 18.304 ca mắc COVID-19; trong đó, 7.643 ca đã được công bố khỏi bệnh, 84 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.
Tính đến 16 giờ ngày 2/7, đã có hơn 3,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được thực hiện; trong đó, 214.405 người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông
Nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, một số địa phương đã tiến hành xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Yên.
Ngày 3/7, hơn 100.000 người gồm toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 của Thành phố Hồ Chí Minh được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2. Dự kiến, kết quả sẽ được trả trong ngày 4-5/7.
155 điểm lấy mẫu xét nghiệm được Thành phố tổ chức tại các trường học gần nơi cư trú, gần điểm thi của các thí sinh.
Tại các điểm, việc lấy mẫu được tổ chức theo ca: 7 giờ 30 phút-9 giờ; 9 giờ-10 giờ 30 phút; 13 giờ 30 phút-14 giờ 30 phút; 14 giờ 30 phút-16 giờ. Trung bình mỗi ca sẽ có từ 100-150 người được lấy mẫu. Lực lượng y tế sử dụng phương pháp lấy mẫu gộp, gộp 10 hoặc 15.
Tối 3/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho cán bộ, giáo viên và thí sinh tham gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 đã hoàn tất trong chiều cùng ngày. Dự kiến, kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong ngày 4-5/7.
85.036 thí sinh đã được lấy mẫu xét nghiệm, đạt tỷ lệ 95,26% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi (89.275 thí sinh). Cùng với đó, có 15.785 cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi cũng được lấy mẫu xét nghiệm trong ngày, đạt 92,57% trong tổng số 17.052 người.
Ghi nhận tại thực tế, với sự phối hợp của nhiều lực lượng trong công tác tổ chức từ điều phối vị trí, sắp xếp phân luồng học sinh, phân chia thời gian hợp lý, quá trình lấy mẫu tại các điểm đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện theo Thông điệp 5K, quy định giãn cách. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh tham gia lấy mẫu chủ động trong thực hiện quy định về phòng, chống dịch trong quá trình chờ lấy mẫu.
Cùng với quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đối tượng dự thi đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, cách ly, không thuộc đối tượng F0, F1, F2, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thí sinh dự thi đợt 1 bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính. Thí sinh ở tỉnh, thành khác có thể xét nghiệm tại nơi cư trú, khi đến điểm thi phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành nơi cư trú để làm các thủ tục dự thi.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi. Thành phố tổ chức 155 điểm thi với 4.134 phòng thi; huy động gần 20.000 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tham gia công tác tổ chức kỳ thi. Hiện thành phố có khoảng 200 thí sinh thuộc các trường hợp F0, F1, F2 và 991 thí sinh trong khu phong tỏa, sẽ không được dự thi đợt 1.
Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên phối hợp với Sở Y tế triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với hơn 10.000 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 và cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, tỉnh Phú Yên có 10.850 thí sinh dự thi, tăng 733 thí sinh so với năm 2020. Các thí sinh sẽ thi tại 26 điểm ở 9 huyện, thị xã, thành phố.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên, hiện có 354 thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 đang được cách ly và đang ở trong vùng phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó còn có 54 người là cán bộ, giám thị và người phục vụ kỳ thi thuộc diện F0, F1, F2 đang được cách ly.
Nhiều địa điểm thực hiện giãn cách xã hội
Sáng 3/7, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện ngừng tiếp nhận người bệnh nội trú Khu C do có 4 trường hợp là bệnh nhi và thân nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, cuối giờ chiều 1/7, Khoa Xét nghiệm vi sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông báo có một mẫu gộp của 2 bệnh nhi kèm 2 thân nhân thuộc Khoa Sốt xuất huyết (Khu C) dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay lập tức, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã kích hoạt quy trình cách ly riêng từng cặp bệnh nhân và thân nhân ra 2 phòng riêng để khẩn trương thực hiện test nhanh và Realtime PCR.
Kết quả có một bệnh nhi cùng mẹ dương tính với SARS-CoV-2, được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cách ly, điều trị theo quy định.
Chiều 3/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long ký quyết định thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, bắt đầu từ 0 giờ ngày 4/7/2021.
Cụ thể, Bình Định thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với các phường Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo và Bồng Sơn. Đồng thời, thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với các phường, xã còn lại của thị xã Hoài Nhơn.
Tại Bình Phước, ông Lê Trường Sơn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Ninh vừa ký công văn yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn huyện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng khu vực phong tỏa tạm thời gồm chợ Lộc Ninh thuộc khu phố Ninh Phú, thị trấn Lộc Ninh; khu vực ấp 2 và tổ 6, ấp 3, xã Lộc Điền thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 12 giờ ngày 3/7.
Tại cuộc họp vào khuya ngày 2/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định: Từ 0 giờ ngày 3/7, các chợ, địa điểm có liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2 áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; bố trí lực lượng bảo vệ an toàn và bảo đảm đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cho người dân trong các khu vực thực hiện giãn cách.
Đối với các chợ trên địa bàn tỉnh, từ 12 giờ ngày 3/7 sẽ áp dụng Chị thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả những người làm việc trong các khu công nghiệp phải khai báo y tế hàng ngày và cài đặt Bluezone.
Đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực phong tỏa
Trước tình hình Đồng Nai đã ghi nhận 26 ca dương tính với SARS-CoV-2, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho gần 80.000 người dân đang ở trong khu vực phong tỏa trên địa bàn 4 xã của huyện Thống Nhất gồm xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3.
Việc lấy mẫu bắt đầu từ sáng 3/7, chia làm 3 đợt, mỗi đợt 3 - 4 ngày. Dự kiến tổng kinh phí cho đợt lấy mẫu này hơn 18,6 tỷ đồng. Gần 70 giáo viên và sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai được huy động tham gia đợt lấy mẫu xét nghiệm này.
Ngày 3/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên họp trực tuyến triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho rằng, để đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm, ngành Y tế tỉnh cần kết hợp 2 phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 để chẩn đoán COVID-19.
Đối với những địa bàn nguy cơ, khu vực đang bị phong tỏa cần sử dụng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR (100%) và gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tăng tiến độ xét nghiệm.
Ngoài ra, ngành y tế cần nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia để thống nhất phương pháp test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 phù hợp đối với từng nhóm đối tượng hoặc địa bàn, phấn đấu tối thiểu lấy được từ 20.000 mẫu/ngày từ ngày 3/7 và tăng dần trong những ngày tiếp theo.
Cần Thơ tạm dừng hoạt động nhiều bến đò ngang trên sông Hậu
Chiều 3/7, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ thông báo sẽ tạm dừng nhiều bến đò ngang trên sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long và ngược lại, bắt đầu từ 0 giờ ngày 4/7.
Việc tạm dừng các bến đò là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp tại các địa phương lân cận có tuyến đường thủy nội địa giáp với thành phố Cần Thơ.
Theo đó, các bến phải tạm dừng gồm Cần Thơ-thị xã Bình Minh, Cồn Khương-Bình Tân, Cô Bắc-Chòm Yên, Khu Công nghiệp Trà Nóc-Tân Bình, Cái Chôm-Xéo Lá, Rạch Nọc-Xã Hời. Thời gian tạm dừng từ 0 giờ ngày 4/7 cho đến khi có thông báo mới.
Riêng các trường hợp chở bệnh nhân đi khám, chữa bệnh hoặc cấp cứu thì các bến đò ngang vẫn được phép hoạt động bình thường.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Sở để tăng cường kiểm tra, giám sát việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách.
Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý thống kê số lượng công nhân có nhu cầu đi lại tại các bến đò nêu trên tử các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp qua thành phố Cần Thơ để tổ chức các phương án vận chuyển hợp lý, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu công nhân không di chuyển bằng các phương tiện thủy nội địa khác vượt sông Hậu qua thành phố Cần Thơ.
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu chủ các bến đò thông tin kịp thời cho hành khách về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ bến đò bố trí sẵn sàng phương tiện để phục vụ trong trường hợp chở bệnh nhân đi khám, chữa bệnh và cấp cứu. Trong quá trình di chuyển qua sông, lái xe và người phục vụ đi cùng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Trước đó, từ 0 giờ ngày 2/7, thành phố Cần Thơ cũng tạm dừng các bến đò, bến phà nối Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, trên các tuyến đường thủy giữa Cần Thơ với các địa phương giáp ranh, người dân qua lại lao động rất nhiều.
Để giải quyết vấn đề này, Cần Thơ đã thực hiện giải pháp cho lao động ngoài tỉnh đến Cần Thơ làm việc ở trọ lại tại các nhà trọ trên địa bàn nhằm kiểm tra, kiểm soát, không để người dân qua lại trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp./.