TP.HCM: Hơn 40.000 học sinh nghi nhiễm Covid-19, F1 phải cách ly tại nhà
Nhiều phụ huynh có con là F1 mong muốn cho con được đến trường học tập. Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định học sinh F1 phải cách ly tại nhà.
Ngày 4/4, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi khảo sát về tình hình học sinh đi học trực tiếp sau đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Buổi khảo sát có sự tham gia của Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cùng đại diện nhiều trường học trên địa bàn. Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định các học sinh là F1 phải cách ly tại nhà theo đúng quy định.
Hơn 40.000 học sinh nghi nhiễm Covid-19
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Theo thống kê (từ ngày 7/2 đến ngày 2/3) từ các phòng GD&ĐT quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc ca nghi nhiễm: 3.689 ca, phát hiện tại trường 381 ca. Số lượng học sinh thuộc ca nghi nhiễm: 40.385 ca; phát hiện tại trường 2.160 ca.
Theo ông Dũng, hiện ngành giáo dục đang gặp nhiều khó khăn trong phòng chống Covid-19 khi học sinh quay lại trường học trực tiếp.
“Hiện nay số ca F0 đang tăng. Phần lớn các cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm bệnh và tầm soát F1 trong trường học.
Cụ thể bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS–CoV-2 (đợt 1) đã chuyển về trường công lập, tuy nhiên chỉ được dùng để tầm soát F0 theo quy định.
Việc xét nghiệm cho F1 hiện nay vẫn còn là vấn đề lớn. Bên cạnh đó là các sơ sở giáo dục hiện đang thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách”, ông Dũng cho biết.
Cũng liên quan đến vấn đề nhiễm Covid-19 trong học sinh, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y Tế TP.HCM, cho biết: Trong hai tuần (15/2 đến ngày 2/3) số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3%. Trong đó: khối mầm non (dưới 1%), tiểu học (2,6%), THCS (2,4%) và THPT (3,1%).
Theo ông Hưng, hiện tại số ca nghi nhiễm tại trường học được ghi nhận gia tăng, số cơ sở giáo dục trên địa bàn xã phường nhiều, việc này tạo áp lực công việc cho Trạm Y tế xã, phường trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục.
Một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp làm cho công tác phòng ngừa dịch bệnh tại trường học khó đảm bảo.
Học sinh là F1 phải cách ly tại nhà
Bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định, đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng đưa ra nhiều đều xuất khác như nên tổ chức bán trú cho học sinh, hạn chế tối đa việc sử dụng máy lạnh trong phòng học.
“Các em học sinh không học bán trú thường trưa được cha mẹ chở về nhà ăn uống hoặc ra ngoài ăn uống, rất khó đảm bảo phòng chống dịch.
Vì vậy các trường cần tổ chức bán trú cho các em học sinh, tổ chức bán trú phải đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, các trường nên hạn chế thấp nhất việc sử dụng máy điều hòa trong phòng học.
Nếu không cần thiết, không thật sự quá nóng thì không nên dùng máy điều hòa”, ông Hưng đề xuất.
Liên quan đến vấn đề học sinh là F1, Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM ý kiến: Theo văn bản mới nhất thì F1 là những trường hợp tiếp xúc với F0 trong phạm vi dưới 2m và trên 15 phút.
“Chúng ta không có chỉ định việc cách ly cả lớp là F1 (trừ lớp mầm non). Tùy trong mỗi hoàn cảnh dạy và học, chúng ta tập cho các em thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tụ tập để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Đối với F1, sau khi hoàn thành cách ly theo quy định thì không nhất thiết phải có giấy test chứng nhận âm tính. Chỉ cần test nhanh là đủ rồi.
Còn F0 thì phải thực hiện đúng theo quy định đã ban hành”, bà Nga nói.
Cũng liên quan đến việc nhiều phụ huynh có con là F1 nhưng mong muốn con được đến trường bình thường, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định: “Học sinh là F1 phải thực hiện cách ly tại nhà.
Đây là biện pháp đảm bảo an toàn không chỉ cho cá nhân học sinh đó mà còn hạn chế sự lây lan bệnh dịch cho nhiều học sinh khác.
Vì sự an toàn trong môi trường giáo dục, phụ huynh có con em là F1 hãy cho con em mình cách ly tại nhà!”.