TP HCM: Hơn 7,3 triệu người nhận gói hỗ trợ thứ 3
Chậm nhất ngày 24-9, người dân ở TP HCM nhận được gói hỗ trợ thứ 3. Lãnh đạo TP chỉ đạo chi đúng, chi đủ, không bỏ sót đối tượng, không phân biệt tạm trú, thường trú hay lưu trú
Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 20-9, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã thông tin về gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân trên địa bàn TP.
4 nhóm đối tượng được hỗ trợ
Ông Võ Văn Hoan cho biết do giãn cách xã hội kéo dài, người dân đã khó nay lại tiếp tục khó khăn. Đảng bộ, chính quyền TP nhận thấy người lao động là bộ phận quan trọng đóng góp cho sự phát triển tăng trưởng của TP. "Trong lúc khó khăn, không có lý do gì TP không chăm lo cho đời sống người dân. Đó là nghĩa cử và trách nhiệm với bà con. TP đã thực hiện 2 gói hỗ trợ vào tháng 7, tháng 8 vừa qua và đang chuẩn bị cho gói hỗ trợ thứ 3. Trên cơ sở danh sách gói 1, gói 2 và cập nhật bổ sung các hộ khó khăn, hình thành danh sách của gói hỗ trợ thứ 3, bảo đảm những người khó khăn đều được chăm lo" - ông Hoan nhấn mạnh.
Theo dự kiến của TP, số lượng người hỗ trợ đợt 3 khoảng hơn 2 triệu hộ với hơn 7,3 triệu người. Trong đó có hơn 53.500 hộ nghèo, cận nghèo với khoảng 210.300 người. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 7.300 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP. Thời gian triển khai từ ngày 22-9 đến ngày 4-10 và dự kiến chậm nhất ngày 24-9, người dân sẽ bắt đầu nhận được hỗ trợ.
Trong đợt hỗ trợ này, có 4 nhóm đối tượng chính. Nhóm 1 là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Nhóm 2 là người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
Nhóm 3 là người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ/ vợ, chồng/con đang ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...). Nhóm 4 là người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn; những người do giãn cách xã hội tình cờ đến nhưng không đi được, tạm thời lưu trú nhưng không báo cáo, đang gặp khó khăn.
Đối tượng không được hỗ trợ đợt này là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương trong tháng 8. "Những người này phải chia sẻ dù cũng gặp khó khăn. Ở đây không có sự phân biệt, TP có nhiều chính sách hỗ trợ các cô, chú về hưu, còn đây là chính sách hỗ trợ lao động hiện nay đang gặp khó khăn do dịch Covid-19" - ông Hoan bày tỏ.
Không bỏ sót đối tượng
Theo ông Võ Văn Hoan, quan điểm của TP là cố gắng phủ hết nhưng vẫn có thể có thiểu sót. Vì vậy, TP yêu cầu đúng đối tượng thì sẵn sàng cập nhật, nếu không đúng đối tượng thì giải thích để người dân hiểu. Ngoài ra, địa phương có thể tận dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân.
Về nguyên tắc của gói hỗ trợ thứ 3 là chi đúng, chi đủ; lập danh sách không bỏ sót, không trùng lắp; không phân biệt tạm trú, thường trú hay lưu trú. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách này để trục lợi. Ông Võ Văn Hoan yêu cầu cấp phường, xã phải có hội đồng xét duyệt, khu phố cũng có tổ kiểm tra, rà soát danh sách từng địa bàn, để trên cơ sở đó trình UBND quận, huyện, TP xem xét phê duyệt. TP sẽ lấy cơ chế tập thể làm cơ sở quyết định các vấn đề dân sinh, hạn chế đến mức thấp nhất cá nhân, cán bộ, công chức có thể sai sót, ảnh hưởng đến chính sách.
Giải thích thêm về việc triển khai gói hỗ trợ thứ 3, ông Võ Văn Hoan nói ở gói hỗ trợ lần 1 (thực hiện theo Nghị quyết 09 của HĐND TP), đối tượng hỗ trợ tập trung vào lao động tự do có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người. Trên cơ sở thực tiễn và báo cáo đề xuất của các địa phương, TP đã mở rộng đối tượng hỗ trợ, gồm những người đã nhận hỗ trợ ở gói 1 và bổ sung lao động tự do chưa được hưởng trước đó, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động khó khăn. Theo thống kê, thời điểm triển khai gói hỗ trợ đợt 1 có 1 triệu lao động tự do và 1,3 triệu hộ gặp khó khăn. Trên cơ sở bổ sung đối tượng, UBND TP đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai gói hỗ trợ lần 2 với mức 1,5 triệu/người, bao gồm người lao động tự do, hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài khiến các hộ gặp khó khăn đã được hỗ trợ vẫn không đủ chi tiêu vì trong hộ có nhiều người. Ngoài ra, có hộ ít người và hộ nhiều người nên nếu hỗ trợ theo hộ thì không hợp lý. Đó là lý do TP xây dựng gói hỗ trợ lần 3, áp dụng mức hỗ trợ theo đầu người.
Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định mục tiêu cuối cùng của chính quyền TP là chính sách đưa ra phải thiết thực, công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện, bảo đảm công bằng thụ hưởng.
Khẩn trương lập danh sách
Trước việc TP tiếp tục triển khai gói hỗ trợ thứ 3, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt khẳng định quận sẽ khẩn trương lập danh sách, tránh bỏ sót các trường hợp khó khăn. Quận Bình Tân đã đề nghị cảnh sát khu vực, tổ dân phố kiểm tra, rà soát và lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ đợt 3, sau đó danh sách sẽ được chuyển lên phường, các phường tổng hợp chuyển cơ quan chức năng thẩm định và chi hỗ trợ theo quy định.
Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nhằm bảo đảm việc thống kê đúng, không bỏ sót, không trùng lắp nhóm đối tượng nhận hỗ trợ đợt 3 theo yêu cầu của UBND TP, huyện đã lập nhiều tổ công tác khẩn trương rà soát tại các xã, thị trấn.Thống kê sơ bộ trên toàn huyện có hơn 400.000 người được đề xuất hưởng trợ cấp đợt 3 này. Đại diện huyện Củ Chi cũng thông tin hiện nay các xã, thị trấn vẫn đang gấp rút thống kê, rà soát nhóm đối tượng được hỗ trợ. Tinh thần là không bỏ sót nhưng không trùng lắp, nhất là các hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu bị phong tỏa…
T.Hoàng - T.Hồng
Từ ngày 1-10, người tiêm 2 mũi vắc-xin được làm việc tại cơ quan
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Văn bản khẩn số 3086 về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thay đổi phương thức làm việc theo các giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 (thử nghiệm) chỉ áp dụng với quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi và Khu Công nghệ cao TP. Từ giai đoạn 2 trở đi áp dụng trên toàn TP HCM, bắt đầu từ ngày 1-10. Giai đoạn thí điểm từ ngày 16-9 đến hết ngày 30-9: các cơ quan, đơn vị chỉ bố trí tối đa 1/3 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp và đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 làm việc trực tiếp tại trụ sở. Giai đoạn từ ngày 1 đến 31-10: bố trí tối đa 1/2 lao động đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin (hoặc được cấp "thẻ xanh Covid") làm việc tại trụ sở. Giai đoạn từ ngày 1-11 đến hết ngày 15-1-2022: bố trí tối đa 2/3 lao động được cấp "thẻ xanh Covid" làm việc trực tiếp tại trụ sở. Giai đoạn sau ngày 15-1-2022: bố trí toàn bộ lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở nếu có "thẻ xanh Covid" hoặc "thẻ vàng Covid", kèm kết quả xét nghiệm âm tính.