TP.HCM kêu gọi đầu tư 84 dự án vi mạch bán dẫn, hạ tầng giao thông, bất động sản

Trong 84 dự án TP.HCM kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024 - 2025, có 3 dự án về sản xuất vi mạch bán dẫn, 17 dự án hạ tầng giao thông và 16 dự án bất động sản.

UBND TP.HCM vừa ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2025.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Thành phố dự kiến thu hút đầu tư 5 dự án. Trong số này có các dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao về điện tử, vi mạch bán dẫn...

Cụ thể, dự án đầu tiên là nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch bán dẫn tại Lô I-1b-2, Đường N1. Dự án có diện tích 25.200 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến 725 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là sản xuất sản phẩm công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn.

Dự án thứ hai là xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị, máy móc sử dụng trong dây chuyền sản xuất vi mạch. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học. Dự án này được xây dựng trên diện tích 10.000 m2 tại Lô I-4b-4.1. Tổng vốn đầu tư dự kiến 288 tỷ đồng.

Dự án thứ ba được Thành phố kêu gọi đầu tư nằm trên diện tích 19.800 m2, tại Lô I-14.6, đường D14. Mục tiêu của dự án là sản xuất sản phẩm công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn với tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng.

Giai đoạn 2024 - 2025, TP.HCM kêu gọi đầu tư vào 3 dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao về điện tử, vi mạch bán dẫn. Ảnh: Lê Toàn

Giai đoạn 2024 - 2025, TP.HCM kêu gọi đầu tư vào 3 dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao về điện tử, vi mạch bán dẫn. Ảnh: Lê Toàn

Ngoài ba dự án trên, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào Trung tâm dữ liệu lớn (Data Center) cung ứng dịch vụ cho khách hàng hyperscalers. Dự án nằm trên diện tích 30.200 m2 tại Lô T4-3, Đường D2. Tổng mức đầu tư dự kiến là 875 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, Thành phố kêu gọi đầu tư vào 16 dự án, phần lớn trong số này là các dự án phục vụ chỉnh trang đô thị như xây mới chung cư cũ; hoặc xây dựng nhà ở xã hội.

Đáng chú ý là Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án khu dân cư đa chức năng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những dự án này nằm tại các lô đất có ký hiệu số 1-2, 1-3, 3-5, 1-5, 1-6, 1-9, 1-10.

Trong số này, 3 lô đất đầu tiên có hiện trạng là đất trống. Hiện nay đã thi công xây dựng hoàn thành các tuyến đường và hạng mục cây xanh, chiếu sáng kèm theo. Thành phố dự kiến sẽ thực hiện đấu giá trước các lô ký hiệu số 1-2, 1-3.

Đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, Thành phố kêu gọi đầu tư vào 12 dự án.

Nổi bật trong danh mục này là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 128.000 tỷ đồng. Diện tích ước tính khoảng 571 ha, trong đó diện tích đất cù lao chiếm 90 ha, diện tích mặt nước 481 ha.

Đây là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98. Tổng diện tích xây dựng khoảng 469,5 ha (cầu cảng, kho bãi giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở nhân viên điều hanh, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật...), diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha. Công suất đến 2030 khoảng 4,8 triệu Teu/năm và tăng trưởng dự kiến đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu/năm.

Ngoài ra, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với tổng vốn đầu tư 19.617 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 51 km (đoạn qua TP.HCM khoảng 24,7 km; đoạn qua tỉnh Tây Ninh: khoảng 26,3 km). Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này khoảng 6.774 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư lần này. Dự án có chiều dài 17,3 km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến); đường song hành hai bên 2 làn xe (khu vực có dân cư). Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 14.089 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch 74,5 m với chi phí ước tính 6.736 tỷ đồng.

Trong danh mục các dự án giao thông, còn có các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) với tổng vốn đầu tư 13.851 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) với vốn đầu tư 12.876 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) với 7.173 tỷ đồng vốn đầu tư.

Ngoài các lĩnh vực trên, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 23 dự án giáo dục; 8 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao; 5 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 4 dự án trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, khách sạn….

TP.HCM cũng lưu ý, về lĩnh vực, dự án thu hút đầu tư, Thành phố ưu tiên đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và khuyến khích đầu tư theo các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp; thương mại và dịch vụ; du lịch.

UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố danh mục dự án thu hút đầu tư của Thành phố đến năm 2025 theo quy định; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở ban ngành, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án theo quy định hiện hành.

Đồng thời cập nhật thông tin chi tiết các dự án thu hút đầu tư của Thành phố, cập nhật hiện trạng sử dụng đất, cơ sở pháp lý, quy trình, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư và các thông tin cần thiết khác để phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-keu-goi-dau-tu-84-du-an-vi-mach-ban-dan-ha-tang-giao-thong-bat-dong-san-d226968.html