TP.HCM khẩn cấp phòng, chống sau khi phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi

Cơ quan chức năng vừa phát hiện đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi tại phường Phú Hữu (quận 9) và TP.HCM cũng là địa phương thứ 55 phát hiện dịch bệnh này.

Trước đó, ngày 10-6, hộ nuôi của bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9) thông báo đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phát hiện 3 con heo bị chết, các con còn lại có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gởi Chi cục Thú y Vùng VI (Cục Thú y) để chẩn đoán và cho ra kết quả xét nghiệm dương tính bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ngày 11-6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND quận 9 triển khai tiêu hủy đàn heo của hộ Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con: 23 nái sinh sản, 112 con heo thịt, 28 con cai sữa.

Song song đó, rải vôi bột tại khu vực hộ chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý heo bệnh.

Cơ quan chức năng xử lý ổ dịch bệnh tả heo châu Phi tại xã Phú Hữu (quận 9). Ảnh: Chi cục thú y

Cơ quan chức năng xử lý ổ dịch bệnh tả heo châu Phi tại xã Phú Hữu (quận 9). Ảnh: Chi cục thú y

Trước tình hình này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã gửi công văn đến UBND 24 quận/huyện về việc Tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP.HCM (Tình huống 3).

Cụ thể, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề nghị UBND 24 quận/huyện chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Công tác tuyên truyền tập trung các nội dung: Các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Các lựa chọn thực phẩm tươi sống và an toàn và Phòng chống dịch tả heo châu Phi; Tuân thủ 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn;...

Công tác tuyên truyền kịp thời, đầy đủ để cung cấp các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề an toàn thực phẩm. Xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác, gây hoang mang cho cộng đồng.

Ngoài ra, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm quận/huyện, phường/xã, thị trấn,... tổ chức việc sử dụng các sản phẩm động vật tại nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể, các chợ không có Ban quản lý chợ. Khuyến cáo các cơ sở sử dụng nguồn thịt heo đảm bảo nguồn gốc, có kiểm soát của cơ quan thú y, không gây biến động thị trường.

Phối hợp với Đội quản lý An toàn thực phẩm liên quận/huyện trực thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TP kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ.

Chỉ đạo Ban quản lý các chợ chủ động tuyên truyền, vận động người dân kinh doanh sản phẩm thịt heo đã qua kiểm dịch đúng quy định. Chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nhất là các thời điểm nhập các sản phẩm động vật vào chợ ngoài giờ hành chính (sáng sớm và chiều tối); tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc vào cuối chợ.

Yêu cầu Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận-huyện quận 2, quận 9, Thủ Đức chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý và khống chế dịch bệnh lây lan.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, hiện tại trên địa bàn phường Phú Hữu, quận 9, có 7 hộ chăn nuôi tổng đàn 506 con heo, Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp UBND quận 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục mỗi ngày trong 7 ngày kể từ ngày; tiêu độc định kỳ 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Tạm thời các hộ này không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày.

Đối với các hộ chăn nuôi thuộc vùng uy hiếp với bán kính 3 km từ khu vực hộ có heo bệnh gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2) gồm 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp UBND quận 2, 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần.

Cơ quan chức tiến hành tiêu độc, khử trùng để ngăn dịch tả lợn Châu Phi tại TP.HCM. Ảnh: CTV

Cơ quan chức tiến hành tiêu độc, khử trùng để ngăn dịch tả lợn Châu Phi tại TP.HCM. Ảnh: CTV

Ngô Đồng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tphcm-khan-cap-phong-chong-benh-dich-ta-heo-chau-phi_75613.html