TP.HCM khẩn trương đấu thầu thuốc, vật tư y tế, bệnh nhân mừng

Các cơ sở y tế tại TP.HCM đang khẩn trương đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Bà NTT (42 tuổi) chia sẻ chồng bà là ông LVU (46 tuổi) bị tai nạn gãy hở đầu dưới hai xương cẳng chân trái và gãy kín 1/3 dưới xương chày, đang điều trị tại khoa Chi dưới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM).

Phải mua thuốc, băng gạc ở ngoài

Dù ông U có thẻ BHYT nhưng bác sĩ yêu cầu phải mua băng gạc ở ngoài. Vì vậy, mỗi ngày bà T phải ra nhà thuốc đối diện bệnh viện mua băng gạc với giá 15.000 đồng/băng.

 Bệnh nhân đến khám và lấy thuốc BHYT tại Trạm y tế phường 8 (quận Gò Vấp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhân đến khám và lấy thuốc BHYT tại Trạm y tế phường 8 (quận Gò Vấp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tại khu nội trú Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chị NQT (35 tuổi) cho biết người thân bị chấn thương mắt cá chân, mới chuyển từ Phan Thiết đến bệnh viện này điều trị.

Vì chấn thương rất sâu nên bệnh nhân có chỉ định mổ chân. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết bệnh viện đã hết nẹp chân do chưa đấu thầu được, bệnh nhân chỉ có thể được mổ tạm thời, nếu muốn gắn nẹp thì bác sĩ tư vấn chuyển đến bệnh viện khác.

Còn anh NVP (ngụ TP Thủ Đức) cho hay nhiều năm nay anh khám định kỳ và lấy thuốc điều trị bệnh cao huyết áp Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Thực tế, có vài thời điểm bệnh viện hết thuốc anh phải ra ngoài mua, thậm chí không có thuốc theo đơn mà phải mua loại thuốc tương tự để uống đỡ.

"Những lúc đó cũng thấy rất phiền vì phải chạy hết chỗ này chỗ nọ mua thuốc. Bác sĩ nói không phải do thành phố thiếu thuốc, mà là do thuốc ở trên chưa về kịp vì nhiều người lĩnh thuốc. Ưng cái là BHYT sau đó sẽ hoàn khoản tiền mua thuốc ngoài bệnh viện này. Nghe nói sắp tới sẽ không còn tình trạng thiếu thuốc nữa, tôi mừng ghê" - anh P bày tỏ.

Đôi khi thiếu là do dự trù chưa sát thực tế

Đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết hiện bệnh viện có tương đối đầy đủ dụng cụ kết hợp xương. Số ít bị thiếu là do số lượng dụng cụ trong hợp đồng trúng thầu hết so với kế hoạch dự trù ban đầu. Riêng băng gạc thì bệnh viện không thiếu như bệnh nhân phản ánh.

Cạnh đó, một số trường hợp hiếm không có dụng cụ hoặc bệnh viện có dụng cụ nhưng không phù hợp với tính chất bệnh của bệnh nhân tại thời điểm đó. Về vấn đề này, bệnh viện sẽ tư vấn, giải thích và hướng dẫn bệnh nhân qua bệnh viện công lập ở TP.HCM để bệnh nhân được hưởng BHYT đúng quy định.

Hiện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đang khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế rộng rãi để mua sắm, phục vụ kịp thời nhu cầu của bệnh nhân.

 Bệnh nhân đăng ký khám BHYT tại Bệnh viện quận Phú Nhuận. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhân đăng ký khám BHYT tại Bệnh viện quận Phú Nhuận. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Võ Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện quận Phú Nhuận, cho biết bệnh viện luôn chuẩn bị cho việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế, mua dự trù nên may mắn không bị thiếu. Một số loại thuốc sử dụng ít quá, nhà thầu không tham gia đấu thầu. Đối với thuốc cấp cứu, bệnh viện có thể được mua ngoài nhưng số lượng ít.

“Hiện nay, những mặt hàng thuốc, vật tư mà bệnh viện cần ít thì các bệnh viện đều báo số lượng và một đơn vị đứng ra gom để dễ đấu thầu hơn. Khi trúng thầu, cứ dựa theo số lượng đăng ký mà phân bổ lại cho các đơn vị. Bệnh viện đang khẩn trương đấu thầu thuốc, vật tư y tế, dự kiến trước tháng 9-2024 sẽ có kết quả” - bác sĩ Minh thông tin.

Theo bác sĩ Trần Hoàng Hà, Trưởng Trạm y tế phường 8 (quận Gò Vấp) đa số bệnh nhân đến trạm là để lấy thuốc các bệnh mạn tính không lây. Thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường... tương đối đủ, trường hợp có thiếu là do dự trù ít, khoảng một tuần hay một tháng sẽ có lại. Thi thoảng người bệnh thuộc diện BHYT cũng phải ra ngoài mua vài loại thuốc như giãn tĩnh mạch chi dưới, dạ dày,…

Theo bác sĩ Hà, trước đây trạm vướng quy chế đấu thầu thuốc, vật tư y tế nên có một giai đoạn bị thiếu thuốc. Hiện nay điều kiện đã ổn định, đáp ứng được 80% nhu cầu khám, điều trị BHYT của người dân.

“Đấu thầu thuốc, vật tư y tế dựa vào dự trù của đơn vị. Nếu dự trù ít thì nguy cơ bị thiếu, dự trù nhiều mà để dư, để hết hạn hơn 10% thuốc thì phải chịu trách nhiệm. Vì vậy có những loại thuốc dự trù ít nhưng nhu cầu bệnh nhân đến lấy thuốc tăng thì sẽ dẫn đến thiếu hụt, bệnh nhân phải ra ngoài mua. Mà dự trù ít cũng rất khó đấu thầu vì nhà thầu không muốn giao” - bác sĩ Hà nói.

Hiện đã có quy chế mới tạo điều kiện thuận lợi cho trạm y tế trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Những gói thầu rất nhỏ, riêng lẻ trước đây gặp khó thì bây giờ đã được gom chung một gói thầu, các đơn vị chỉ đăng ký lượng thuốc, đây là điểm gỡ khó cho các trạm y tế phường xã. (Bác sĩ Trần Hoàng Hà)

“Việc tăng thêm thuốc BHYT cho tuyến y tế cơ sở cũng là tín hiệu đáng mừng. Bệnh nhân có nhiều cơ hội, bác sĩ có nhiều lựa chọn hơn để chỉ định, kê toa. Trạm cũng sẽ mạnh dạn dự trù thuốc hơn, hy vọng bớt tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân, tăng lượt khám tại y tế cơ sở” - bác sĩ Hà nêu.

Chia sẻ thêm, bác sĩ Hà cho biết trước đây tại trạm y tế, bệnh nhân khám BHYT được xét nghiệm máu, nhưng từ đầu năm 2024 bị tạm ngưng. Như vậy bệnh nhân BHYT phải lên bệnh viện hoặc phòng khám tư xét nghiệm rồi quay lại trạm lấy thuốc, sự bất tiện này làm giảm lượt người đến khám tại trạm.

Cú hích cho đấu thầu thuốc

Hiện nay những quy định mới về đấu thầu thuốc đã giải quyết được vướng mắc về công tác mua sắm nhỏ lẻ tại trung tâm y tế. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ cùng loại thì có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm hoặc để đơn vị có chức năng mua sắm tập trung thực hiện.

Sở Y tế TP.HCM đã tổng hợp danh mục thuốc từ các trung tâm y tế đối với gói đấu thầu thuốc generic với hơn 400 danh mục thuốc và gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền với gần 60 danh mục thuốc.

Sở Y tế cũng đã giao cho Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Y học cổ truyền là những bệnh viện đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để làm bên mời thầu cho 2 gói thầu trên, đồng thời huy động nhân lực ngành y tế tham gia hỗ trợ lựa chọn nhà thầu. Dự kiến đến tháng 9-2024 sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu.

Hiện UBND TP.HCM đang xây dựng kế hoạch thực hiện nghị định 84 về nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt (thuốc hiếm, cấp cứu, chống độc...). Bộ Y tế sẽ phân cấp TP.HCM được quyền phê duyệt cho các cơ sở khám chữa bệnh thuộc quyền quản lý của TP.

Sở Y tế đang khẩn trương để đầu tháng 8 triển khai phê duyệt quy trình duyệt nhập khẩu thuốc. Việc này giúp TP chủ động hơn trong nhập khẩu thuốc hiếm. Trong trường hợp khẩn cấp, TP có thể duyệt giấy phép nhập trong ngày mà không phải gửi ra Bộ Y tế duyệt như trước.

Một số thuốc hiếm như globulin, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, methotrexat... cũng đã hoàn tất thủ tục cấp phép và đang được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới.

Ông LÊ NGỌC DANH - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-khan-truong-dau-thau-thuoc-vat-tu-y-te-benh-nhan-mung-post801498.html