TP.HCM khơi thông hạ tầng giao thông bằng hàng loạt dự án

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được người dân TP.HCM kỳ vọng sớm được khơi thông như cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Vĩnh Lộc…

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã đăng ký với UBND TP trình HĐND TP tại kỳ họp chuyên đề tháng 12-2023 xem xét thông qua chủ trương đầu tư 10 dự án thuộc lĩnh vực giao thông như cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, đường vành đai 2, Nguyễn Thị Định, Vĩnh Lộc... Theo Sở GTVT, các dự án trọng điểm này đã có kế hoạch từ nhiều năm nhưng chưa thể triển khai vì nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Dự án cầu đường Nguyễn Khoái là một trong những dự án được Sở GTVT đăng ký với UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp HĐND TP chuyên đề tháng 12-2023. Dự án này có tổng mức đầu tư là 3.735 tỉ đồng từ ngân sách TP.

 Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài gần 2,5 km, phần đường có chiều dài hơn 2,3 km. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành vào năm 2027.

Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài gần 2,5 km, phần đường có chiều dài hơn 2,3 km. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành vào năm 2027.

Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài gần 2,5 km, phần đường dài hơn 2,3 km. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án này đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư năm 2016 với tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỉ đồng, quy mô khoảng 1 km bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) tới điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4). Tuy nhiên sau đó có nhiều kiến nghị thay đổi về quy mô dự án để phù hợp với nhu cầu giao thông, tăng hiệu quả khai thác nên chủ đầu tư đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tương tự, là dự án xây dựng cầu Cần Giờ. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 10.500 tỉ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến, TP sẽ triển khai xây dựng cầu Cần Giờ vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028.

 Dự án cầu Cần Giờ nối Nhà Bè với huyện Cần Giờ.

Dự án cầu Cần Giờ nối Nhà Bè với huyện Cần Giờ.

Nhiều năm nay, người dân khu Nam TP mong sớm được triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ (nối Nhà Bè với huyện Cần Giờ), cầu đường Nguyễn Khoái (nối quận 7, quận 4 và quận 1).

 Cầu Cần Giờ được xây dựng, người dân sẽ hết cảnh phải lụy phà.

Cầu Cần Giờ được xây dựng, người dân sẽ hết cảnh phải lụy phà.

Chị Lý Thị Huyền (huyện Nhà Bè) cho biết Nhà Bè và Cần Giờ chỉ cách nhau một con sông nhưng để đi lại chị phải mất hàng giờ đồng hồ, riêng ngày cuối tuần hay lễ phải chờ phà tới 2-3 giờ. Chị Huyền mong TP sớm đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn.

Dự án cầu Cần Giờ dự kiến được khởi công vào năm 2025.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Giang (quận 7), tài xế taxi cho biết mỗi lần chở khách đi Cần Giờ hay vào trung tâm anh đều thấy áp lực.

“Quãng đường đi không quá xa nhưng thời gian chờ phà thì quá lâu. Có ngày tôi chở khách đi đảo Khỉ (Cần Giờ) nhưng phải mất tới 3 giờ đồng hồ đợi phà, riêng vào dịp lễ thì thời gian chờ dài hơn nhiều. Tôi chỉ mong sớm có cầu Cần Giờ, đường vào trung tâm TP rộng mở hơn để người dân được thuận lợi, kinh tế cũng được phát triển”- anh Giang nói.

Ở TP Thủ Đức, Sở GTVT cũng kiến nghị trình ba dự án. Thứ nhất là dự án vành đai 2 - đoạn 2 (từ nút Phạm Văn Đồng đến ngã tư Bình Thái). Dự án có chiều dài tuyến là 2,4 km với tổng mức đầu tư hơn 4.543 tỉ đồng, đầu tư bằng ngân sách TP.

Dự án này đã nằm trong quy hoạch từ lâu, dự tính đầu tư theo hình thức BT nhưng khi hình thức BT tạm ngưng do vướng Luật thì dự án này bị đình lại. Đến năm 2023, UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT, Ban Giao thông nghiên cứu đầu tư dự án theo phương án đầu tư công.

 Khu vực nút giao vành đai 2 - đoạn 2.

Khu vực nút giao vành đai 2 - đoạn 2.

Thứ 2 là dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp đến nút giao với đường Nguyễn Duy Trinh dài hơn 1 km, với tổng mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng. Trước đó, dự án này được mở rộng, tách ra làm dự án xây lắp và dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) riêng.

Tuy nhiên, từ tháng 9-2017 đến nay đường Đỗ Xuân Hợp mới chỉ mở rộng được một đoạn kết nối với cầu Nam Lý, đoạn còn lại kết nối về đường Nguyễn Duy Trinh vẫn chưa thể triển khai do vướng GPMB.

 Hiện đường Đỗ Xuân Hợp còn khoảng 400 m chưa được mở rộng, đường hiện hữu có bề rộng nhỏ với 2 làn xe. Trong khi đó, đoạn đường Đỗ Xuân Hợp đã được mở rộng lên 30 m, các phương tiện đi lại thông thoáng.

Hiện đường Đỗ Xuân Hợp còn khoảng 400 m chưa được mở rộng, đường hiện hữu có bề rộng nhỏ với 2 làn xe. Trong khi đó, đoạn đường Đỗ Xuân Hợp đã được mở rộng lên 30 m, các phương tiện đi lại thông thoáng.

Theo Sở GTVT, trong kỳ họp HĐND TP lần này Sở sẽ trình thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong đó sẽ nhập phần GPMB và dự án xây lắp thành một dự án, đồng thời điều chỉnh tên chủ đầu tư từ Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thành Ban Giao thông.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối đồng bộ với cầu Nam Lý, đường Đỗ Xuân Hợp đã mở rộng trước đó. Từ đó, kết nối liên thông với đường Nguyễn Duy Trinh để về khu vực cảng Phú Hữu, Cát Lái và khu công nghệ cao.

Thứ 3 là dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy). Dự án này đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2015 với tổng mức đầu tư phần xây lắp là 295 tỉ đồng, chi phí GPMB thực hiện dự án riêng. Kể từ ngày thông qua dự án đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Hiện TP Thủ Đức cũng đã chi trả được 297/443 hồ sơ bị ảnh hưởng, với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thời gian bồi thường GPMB kéo dài dẫn đến hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường thay đổi, cộng với thay đổi chủ đầu tư nên cần phải trình HĐND TP điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

 Đường Nguyễn Thị Định sau khi được mở rộng sẽ tăng kết nối với khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu.

Đường Nguyễn Thị Định sau khi được mở rộng sẽ tăng kết nối với khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu.

Vì vậy, Sở GTVT cho biết tại kỳ họp HĐND TP lần này, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định sẽ được trình để mở rộng đường từ 7 m lên 30 m, dài khoảng 2 km. Ban đầu dự án này có tổng mức đầu tư chỉ có 295 tỉ đồng, tuy nhiên sau nhiều năm chưa triển khai thi công đến nay mức đầu tư đã tăng lên 2.075 tỉ đồng. Giai đoạn triển khai được điều chỉnh từ 2016-2020 thành 2016-2026.

Là một người dân sống gần khu vực dự án đường vành đai 2, anh Nguyễn Văn Toàn, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức cho biết: “Khi tôi mua nhà, chủ đầu tư giới thiệu dự án vành đai 2 sẽ chạy kế chung cư nên tình trạng ùn tắc, container ra vào thường xuyên ở khu vực này sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, sau 10 năm, tuyến vành đai 2 vẫn nằm im lìm. Lỡ mua nhà rồi nên hàng ngày khi đi làm tôi vẫn phải chen chân với dòng container vô cùng nguy hiểm”.

Dự án mở rộng đường Vĩnh Lộc (Hương lộ 80) lên 30 m, dài 7,2 km với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỉ đồng cũng được Sở GTVT đăng ký với UBND TP để trình HĐND TP. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư.

Ông Bùi Trọng Thống, Trưởng ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, cho rằng hạ tầng giao thông của huyện hiện nay chưa thực sự tương xứng với tốc độ phát triển.

Theo ông Thống, đường Vĩnh Lộc là tuyến đường huyết mạch của huyện Bình Chánh kết nối với quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, đồng thời kết nối với cửa ngõ Tây Nam TP. Không chỉ vậy, đường Vĩnh Lộc còn là tuyến đường chạy qua hai xã đông dân nhất của huyện Bình Chánh, kết nối vào khu công nghiệp.

Vì vậy, việc sớm đầu tư, mở rộng đường Vĩnh Lộc là vô cùng cấp thiết để khơi thông tuyến đường huyết mạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế, liên kết vùng cho huyện Bình Chánh nói riêng và TP.HCM nói chung.

Ông Thống cho biết, trước đó, TP đã thông qua chủ trương đầu tư mở rộng đường Vĩnh Lộc lên 18 m, song phương án này cũng cần đánh giá lại để đồng bộ với giao thông trong khu vực. Lần này Sở GTVT kiến nghị mở rộng đường lên 30 m đúng theo quy hoạch và phù hợp với công bố quy hoạch trước đây.

Ghi nhận củaPháp Luật TP.HCM, hiện đường Vĩnh Lộc chỉ rộng khoảng 7 m, đoạn rộng nhất cũng chỉ khoảng 10 m. Vào giờ cao điểm, mật độ phương tiện di chuyển qua đoạn đường này rất lớn, thường xuyên ùn ứ, gây mất an toàn giao thông. Đây cũng là tuyến đường chạy qua địa bàn xã Vĩnh lộc A, Vĩnh Lộc B để kết nối với khu công nghiệp Vĩnh Lộc nên thường xuyên có xe tải di chuyển ngày đêm, vì vậy, đường thường xuyên ùn ứ, kể cả giờ thấp điểm.

Đường Vĩnh Lộc còn chịu áp lực lớn khi là tuyến đường kết nối với các trục đường nhánh đông đúc khác như Nguyễn Thị Tú, Võ Văn Vân, đường Hàn Thuyên, đường Phan Văn Đối…

Bà Nguyễn Thị Lài, người dân có nhà trên đường Vĩnh Lộc chia sẻ: “Đường Vĩnh Lộc có mật độ phương tiện rất lớn nhưng mặt đường khá nhỏ hẹp. Nhiều năm nay, tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc, mưa thì ngập nước, nắng thì khói bụi. Người dân đi lại buôn bán khó khăn vì lúc nào cũng kẹt xe. Chúng tôi chỉ mong sao nhà nước sớm mở rộng đường để việc lưu thông, buôn bán của người dân ngày một tốt hơn”.

NỘI DUNG: ĐÀO TRANG. Ảnh: N.NGỌC - Đ.TRANG -N.TIẾN. Đồ họa: THÙY TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-khoi-thong-ha-tang-giao-thong-bang-hang-loat-du-an-post765091.html