TP.HCM khuyến cáo học sinh có bệnh nền chưa nên tới trường

Từ ngày 13/12, TP.HCM thí điểm cho học sinh lớp 1, 9, 12, sau đó là trẻ mầm non 5 tuổi đến trường. Những em có bệnh nền được khuyến cáo tạm thời không tới lớp.

Sở GD&ĐT TP.HCM đã hướng dẫn chuyên môn về việc đi học trực tiếp đối với từng bậc học trên địa bàn.

Trong đó, sở lưu ý học sinh đang trong khu vực cách ly, phong tỏa, phải cách ly vì nhiễm bệnh, những em có bệnh lý nền (xác nhận của bác sĩ), tạm thời chưa tham gia học trực tiếp.

Những em này sẽ được nhà trường tổ chức hướng dẫn dạy học qua Internet, truyền hình và phương tiện khác.

 Thời gian qua, các trường ở TP.HCM tích cực tu sửa, vệ sinh để chuẩn bị đón học sinh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thời gian qua, các trường ở TP.HCM tích cực tu sửa, vệ sinh để chuẩn bị đón học sinh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Dời lịch kiểm tra cuối học kỳ

Đối với bậc trung học, sở cũng hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trong 2 tuần thí điểm. Cấp THPT hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố, còn bậc THCS hoạt động theo cấp độ dịch của quận, huyện, nơi trường trú đóng.

Thời gian đầu tới trường trực tiếp, giáo viên phải rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh. Thời gian tổ chức kiểm tra học kỳ I sẽ bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 22/1/2022 thay vì trung tuần tháng 12 như hàng năm.

Đối với học sinh thuộc diện F0, cách ly, giãn cách xã hội, nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp.

Trường ở địa bàn cấp độ 1: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường sẽ thực hiện trên Internet.

Trường ở địa bàn cấp độ 2: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên Internet.

Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.

Trường ở địa bàn cấp độ 3: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Các trường THCS, THPT ở vùng dịch cấp độ 3 sẽ không tổ chức chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Trường ở địa bàn cấp độ 4: Thực hiện tất cả hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường Internet.

Bên cạnh đó, sở GD&ĐT yêu cầu trường THCS, THPT tổ chức dạy học kết hợp hài hòa giữa dạy học trực tiếp và dạy học trên Internet thông qua hệ thống quản lý học tập, điều chỉnh linh hoạt phù hợp hoạt động chuyên môn theo từng cấp độ dịch.

Trong việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, thực hành, thí nghiệm, giáo viên cần chú ý xây dựng các tổ học sinh tự quản (hoặc chia thành nhóm nếu tổ có số lượng học sinh từ 12 em trở lên).

Sở GD&ĐT cũng lưu ý nhà trường phải thực hiện thông tin nhanh, kết nối thông suốt, kịp thời giữa tất cả lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục, bao gồm giáo viên và phụ huynh, nhằm thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch Covid-19.

 Việc học sinh lớp 1 trở lại trường được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Ảnh: Chí Hùng.

Việc học sinh lớp 1 trở lại trường được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Ảnh: Chí Hùng.

Số lượng học sinh tiểu học tới trường tùy theo cấp độ dịch

Với bậc tiểu học, tùy theo cấp độ dịch ở quận, huyện mà trường trú đóng, trường sẽ được đón số lượng học sinh khác nhau.

Những cơ sở ở vùng dịch cấp độ 1: Học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, các khối khác tiếp tục học trên môi trường Internet (riêng trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ tổ chức học trực tiếp cho tất cả khối lớp).

Bảo đảm mật độ học sinh trong một lớp, khoảng cách an toàn giữa các phòng học theo quy định của bộ tiêu chí an toàn trường học mà TP.HCM ban hành.

Ngày đầu tiên, giáo viên làm quen học sinh, hướng dẫn các em hình thành thói quen phòng dịch tại trường, chia nhóm học sinh theo năng lực và tổ chức hướng dẫn học tập. Những ngày tiếp theo, giáo viên kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức trong giai đoạn học online song song tổ chức dạy học kiến thức mới. Các trường nên tập trung môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh.

Đối với cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 2: Học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối. Các quy định, nội dung dạy học chuyên môn thực hiện tương tự những trường ở khu vực cấp độ 1.

Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 3: Học sinh lớp 1 đi học ba buổi/tuần, không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối.

Trong các ngày học sinh tham gia học trực tiếp, trường tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, không tổ chức các hoạt động học tập có tiếp xúc gần.

Trường học ở vùng có cấp độ dịch 4 không được đón học sinh, hoạt động giáo dục thực hiện qua Internet.

Do đặc điểm từng khu vực, việc tổ chức, biên chế lớp học như chia lớp, tổ chức buổi học, sắp xếp buổi học và thời khóa biểu, phân công giáo viên đứng lớp, sẽ do hiệu trưởng quyết định.

Giáo viên chủ động phân loại học sinh theo năng lực, tổ chức hướng dẫn hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp để củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những em chưa tham gia giai đoạn học trực tuyến hoặc chưa đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-khuyen-cao-hoc-sinh-co-benh-nen-chua-nen-toi-truong-post1281113.html