Tp.HCM kiểm tra đồng loạt các khu liên hợp xử lý chất thải
Đó là các đơn vị: Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công ty VWS, Khu xử lý chất thải của Công ty công nghệ sinh hoạc Sài Gòn Xanh...
Sáng ngày 7/8/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM phối hợp cùng Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Tp.HCM, Ban quản lý các Khu liên hợp Xử lý chất thải Thành phố (MBS) tổ chức cho người dân các quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình vận hành, xử lý chất thải tại các khu liên hợp xử lý chất thải tập trung của Thành phố.
Đó là các đơn vị: Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công ty VWS, Khu xử lý chất thải của Công ty công nghệ sinh hoạc Sài Gòn Xanh, Khu xử lý chất thải của Công ty dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình, tọa lạc tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp.HCM.
Được mục thị sở tại, cư dân giải tỏa bức xúc
Điểm đến đầu tiên là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), đơn vị mà lâu nay không ít người dân, nhất là cư dân khu vực quận 7, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho là "thủ phạm" chính trong việc phát tán mùi hôi, gây bức xúc dư luận.
Ông Huỳnh Văn Đồng, ở ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chia sẻ: "Nhà tôi ở giáp ranh bãi rác. Rác thường có mùi chua, nhưng chúng tôi thường phải chịu đựng mùi hôi thối". Ông Đồng cũng thừa nhận: Bãi rác năm nay xử lý như vậy tôi thấy quá tốt rồi.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Tâm, Trưởng Ban quản lý chung cư Era Town, quận 7 thống nhất ý kiến với đa số người dân Quận 7 có mặt về phản ánh mùi hôi xuất phát từ VWS. Tuy nhiên, ông cũng nhận định: "Hôm nay được tham quan nhà máy VWS, tôi thấy công ty đã nỗ lực, cố gắng hạn chế mùi hôi. Vấn đề là làm sao để chúng ta nhanh chóng có khu vực trồng cây xanh cách ly mà như người dân chúng tôi được biết là Thành phố đã có trong quy hoạch ngay từ ban đầu".
Trước các phản ảnh của người dân, ông Kevin Moore, CEO Công ty VWS cho biết: "Công ty chúng tôi vận hành liên tục 24/24 giờ dưới sự giám sát hàng ngày của thành phố. Việc giám sát này do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện và được tăng từ 3 lần/ngày lên 5 lần/ngày hiện nay. VWS đã hết sức nỗ lực với trách nhiệm cao nhất của mình để bảo đảm vấn đề môi trường cho Thành phố và người dân khu vực".
Vùng phát tán mùi hôi tạm thời được gọi tên?
Có một cuộc tranh luận nhỏ tại Khu xử lý chất thải giữa một số người dân với đại diện Công ty công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, khi lãnh đạo Công ty thừa nhận mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ khu vực Công ty của mình nhưng là do quá trình vận chuyển và tiếp nhận bùn thải ở công đoạn đầu; trong khi ý kiến người dân là "mắt thấy tai nghe" tại chỗ và thời điểm người dân đến giám sát trực tiếp thì không có bất kỳ đoàn xe vận chuyển nào làm công việc "giao nhận hàng" cả.
Ông Hoàng Giáng Sinh, Phó tổng giám đốc Công ty công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đã thừa nhận sự phát tán mùi như phản ánh tại chỗ của người dân; song cho biết, Công ty đang trong quá trình hoàn thiện và tiếp tục đầu tư nâng cấp nên trước mắt khó tránh khỏi việc phát tán mùi nồng nặc như bức xúc của người dân.
"Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới hiện đại, an toàn hơn để bảo vệ môi trường của thành phố và sức khỏe của người dân", ông nói. Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM nhấn mạnh, yêu cầu Công ty Sài Gòn Xanh cần phải cung cấp cụ thể cho người dân giám sát thời gian nào triển khai áp dụng công nghệ mới, đó là công nghệ gì, không thể báo cáo chung chung như vậy bà con hoang mang.
Kế tiếp, đoàn giám sát di chuyển sang Công ty dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình là đơn vị xử lý chất thải bể phốt; tuy nhiên khi đến nơi thì người dân gần như không vào vì không thể chịu đựng nổi mùi nồng nặc phát ra từ khu vực tiếp nhận và xử lý. Đoàn giám sát quay trở về Công ty Sài Gòn Xanh để tổng kết các ý kiến, phản hồi từ các bên liên quan, công bố biên bản làm việc và người dân ký tên để Sở tổng hợp báo cáo cấp trên của Thành phố.
Ông Lê Trung Tuấn Anh đúc kết: Không riêng Công ty VWS mà tất cả các công ty tại toàn liên khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước cũng đã được Thành phố định hướng phải có những đầu tư phù hợp với đặc điểm xử lý chất thải của Thành phố. Song song, Thành phố cũng định hướng, yêu cầu các công nghệ áp dụng phải đáp ứng được yêu cầu hiện đại, bảo vệ môi trường.
"Về nguyên tắc chung, các đơn vị này phải cần có đánh giá điều chỉnh công nghệ phù hợp theo định hướng của Thành phố", ông Tuấn Anh kết luận.
Được biết, Tp.HCM dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai công nghệ đốt rác phát điện với công suất 2000 tấn/ngày; đồng thời đề nghị Công ty VWS sớm hoàn thiện đề án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện.
Về vấn đề này, ông David Dương, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Công ty VWS cho biết đã trình đề án cho cơ quan chức năng nhưng hiện Thành phố chưa phê duyệt. "Nếu được phê duyệt chúng tôi sẽ triển khai ngay, vì mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất".