TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp gỡ vướng về hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM và Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.

Ngày 10-7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 điểm cầu tại UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Video: TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp gỡ vướng về hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp

TP.HCM chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp

Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM, cho biết hiện nay, TP.HCM đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong đó, có một số nội dung giao cho HĐND TP ban hành chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

 Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: VĂN THUẬN

Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: VĂN THUẬN

Tuy nhiên, nội dung giao HĐND TP ban hành lại không bao gồm quy định về thủ tục hành chính nên các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Hạnh, Sở Tư pháp đã nghiên cứu và có ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Ông Hạnh cho hay, TP.HCM là địa phương tổ chức thực hiện chính quyền đô thị. Theo đó, TP.HCM không còn tổ chức HĐND quận, phường. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 33/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 thì hình thức văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận là quyết định, trong khi UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

 Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm. Ảnh: VĂN THUẬN

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm. Ảnh: VĂN THUẬN

Do đó, thực tiễn phát sinh tại TP.HCM hiện chưa có quy định việc thay thế, bãi bỏ các Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND quận, phường ban hành trước thời điểm thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14. Trong khi đó, qua rà soát có các văn bản không còn phù hợp cần phải xử lý.

Liên quan đến nội dung nêu trên, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp về việc trả lời vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Đến nay, Sở Tư pháp vẫn chưa nhận được thông tin hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật do HĐND quận, phường và UBND phường ban hành trước ngày Nghị định số 131/2020 có hiệu lực.

Chưa đáp ứng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến

Về lĩnh vực hộ tịch, ông Hạnh cho biết tình trạng không đồng bộ giữa hệ thống thông tin giải quyết hành chính và Hệ thống thông tin đăng ký quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp chưa được khắc phục. Cụ thể, hồ sơ được tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công nhưng không hiển thị hoặc hiển thị không đầy đủ thông tin trên Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch.

Ngoài ra, thời gian tối đa giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân tại cấp xã theo Quy trình ban hành theo Quyết định 309/QĐ-BTP chỉ 5 ngày thì sẽ không đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng hạn.

Đối với việc cấp lý lịch tư pháp thì hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP và Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.

Đồng thời, hiện nay chưa có chế độ, chính sách động viên kịp thời cho đội ngũ công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Ông Hạnh nêu: Theo Quyết định số 1235/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp thì thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam quy định thời gian giải quyết của Sở Tư pháp là 10 ngày (trường hợp phải xác minh thì thời hạn không quá 15 ngày).

Tuy nhiên, tại phần quy định thời gian giải quyết của các cơ quan phối hợp lại không thống nhất. Ví dụ, cơ quan công an tra cứu xác minh thông tin lý lịch tư pháp trong thời hạn 7 ngày làm việc, trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư Bộ Công an thì thời hạn không quá 9 ngày làm việc. Do đó, không có sự thống nhất về việc quy định giữa ngày và ngày làm việc khi giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; thể chế trong lĩnh vực lý lịch tư pháp tiếp tục được quan tâm hoàn thiện,...

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID từ ngày 22-4-2024. Việc thí điểm này đã tạo thêm một sự lựa chọn mới thuận lợi cho người dân được cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hiện đại, được người dân đón nhận rất tích cực, tạo tiền đề quan trọng cho việc nhân rộng triển khai trong toàn quốc.

Tính đến cuối tháng 6, ở TP Hà Nội có khoảng 60%, Thừa Thiên-Huế có khoảng 70% yêu cầu cấp phiếu được thực hiện qua phương thức này.

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận và xử lý được 219.207 thông tin (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023); cung cấp cho các Sở Tư pháp 33.800 thông tin; cập nhật và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu 158.411 thông tin (tăng 45,20% so với cùng kỳ năm 2023).

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kien-nghi-bo-tu-phap-go-vuong-ve-ho-tich-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-post799783.html