TP.HCM kiến tạo thành phố số, phát triển công dân số
Năm 2024, TP.HCM sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp chuyển đổi số, góp phần cụ thể hóa thành công Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Chủ đề năm 2024 của TP.HCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số (CĐS) và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”. TP.HCM triển khai chủ đề này trong bối cảnh lãnh đạo TP, cũng như giới chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân trong vài năm qua, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, đã nhắc rất nhiều đến các khái niệm kinh tế số, kinh tế xanh, hay như các thuật ngữ nhấn mạnh vào tính đổi mới trong quản trị như chính quyền đô thị, chính quyền số…
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp năm mới 2024, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết TP đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp công nghệ với mục đích cuối cùng là nâng cao tính tiện lợi, tiện nghi, chất lượng cuộc sống của người dân và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm gốc
. Phóng viên: Thưa ông, năm 2024 có thể nhận thấy CĐS là một trọng tâm quan trọng, là điểm chung trong hầu hết kế hoạch hành động của TP.HCM. Trên thế giới, khái niệm “TP số”, “TP thông minh” đã xuất hiện nhiều năm qua. Liệu TP.HCM có phải phát triển theo hướng này?
+ Ông Lâm Đình Thắng: “TP số” (digital city) hay “TP thông minh” (smart city) cũng chỉ là các tên gọi khác nhau, còn bản chất là như nhau. Theo đó, mục tiêu lớn nhất mà TP.HCM hướng tới đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông để kết nối, quản lý các hệ thống và dịch vụ một cách hiệu quả hơn, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ đề năm 2024 của TP.HCM cho thấy tầm quan trọng của CĐS và quyết tâm thực hiện CĐS trong chiến lược phát triển của TP. Chúng ta xác định mục tiêu chung là TP CĐS để quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dữ liệu, dựa trên thời gian thực và có khả năng dự báo tốt; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế số, kinh tế xanh; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; đồng thời khuyến khích, tăng cường sự tham gia của người dân trong xây dựng chính sách và điều hành TP.
TP đã xác định nhiều mục tiêu quan trọng cho hai cột mốc 2025 và 2030. Trong đó có những mục tiêu then chốt như đến năm 2025, chính quyền TP.HCM cơ bản đưa các hoạt động điều hành TP lên các nền tảng số. 100% dịch vụ công đủ điều kiện sẽ được đưa lên mạng. Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính, các hoạt động quan trọng khác bằng hình thức trực tuyến và chỉ cung cấp thông tin một lần. Kinh tế số sẽ chiếm 25% trên tổng GRDP của TP. Hạ tầng số tiếp tục được phát triển như hạ tầng băng rộng phủ 100% hộ gia đình, mạng 5G sẽ được phổ cập dịch vụ và 100% người dân TP.HCM sẽ có điện thoại thông minh.
Thúc đẩy năm trụ cột quan trọng
. Theo mô tả của ông, tôi có thể hình dung ra hoạt động CĐS của TP sẽ lấy công nghệ làm trung tâm phục vụ cho mọi hoạt động đời sống của người dân, doanh nghiệp. Để làm tốt điều ấy, TP hướng tới thúc đẩy những trụ cột nào?
+ Để thực hiện các mục tiêu CĐS, TP sẽ tập trung vào một số trụ cột. Thứ nhất là hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng. Thứ hai là chính quyền số, bao gồm việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động quản lý và ra quyết định (chính sách); nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền; tăng cường minh bạch và giải trình.
Tiếp nữa, TP sẽ phát triển kinh tế số, trong đó gồm phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp CĐS; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử; tạo ra việc làm mới. Thứ tư sẽ là xã hội số, bao gồm các giải pháp nâng cao kỹ năng số cho người dân; thúc đẩy giao tiếp và kết nối cộng đồng; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng các dịch vụ số; phát triển giáo dục trực tuyến, y tế thông minh; thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền.
Cuối cùng, TP sẽ thúc đẩy trụ cột an toàn thông tin, bao gồm các giải pháp bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu của TP; ngăn chặn tấn công mạng, tội phạm mạng; đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân. Nói cách khác, khi xây dựng hệ sinh thái số phải bao gồm các giải pháp bảo vệ an toàn cho hệ sinh thái ấy.
Ngoài ra, một trong những vấn đề rất quan trọng mà TP cũng cần chú trọng đó là phát triển nhận thức số, văn hóa số. Trong đó, triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của người dân để thích ứng với công nghệ mới; cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp lý để thúc đẩy CĐS; hợp tác quốc tế.
“TP số” có “công dân số”
. Trong “TP số” sẽ có “công dân số”. Hiểu thế nào về công dân số và làm thế nào để phát triển công dân số tại TP.HCM?
+ Công dân số là những người có đủ kiến thức, kỹ năng để sử dụng các công nghệ, dịch vụ số một cách hiệu quả; đồng thời có trách nhiệm, thái độ đúng đắn và tuân thủ pháp luật trên môi trường số. Công dân số là thành tố quan trọng để thực hiện thành công CĐS của TP.HCM. Để phát triển công dân số, TP.HCM cần tập trung một số giải pháp cơ bản đến đông đảo công chúng.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và hiểu biết về CĐS, đào tạo sử dụng các công nghệ, dịch vụ số cho người dân. Việc này có thể thấy qua các chương trình hoạt động truyền thông, báo chí về CĐS; hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại các quận, huyện, phường, xã. Tích hợp giáo dục công nghệ thông tin và truyền thông vào chương trình giảng dạy của các trường học. Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng số cho người dân.
Thứ hai, TP sẽ phát triển hạ tầng số và cung cấp các dịch vụ công số cho người dân: Hệ thống mạng viễn thông, mạng lưới Internet băng rộng, các điểm truy cập Internet công cộng miễn phí. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, lắng nghe và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân ngày càng nâng cao.
Cuối cùng, TP sẽ có các nhóm giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông như triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, triển khai các chương trình cung cấp điện thoại thông minh chi phí hợp lý cho người dân. Hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.
Tôi rất phấn khởi vì hiện nay TP.HCM đã triển khai hoạt động lấy ý kiến của người dân về ứng dụng (app) “Công dân thành phố”. Dự kiến trong năm 2024, TP sẽ ra mắt ứng dụng này. Mỗi người dân sẽ thông qua app “Công dân thành phố” để có thể truy cập đến tất cả dịch vụ, giao tiếp với các cơ quan chính quyền TP chỉ thông qua một ứng dụng duy nhất và thống nhất trên thiết bị di động của mình.
. Xin cảm ơn ông.
Chuyển đổi số phải đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”
Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc CĐS có thể khiến một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là những người chưa có khả năng thích nghi với hệ sinh thái số vốn cần nhiều kiến thức và sự linh hoạt. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết đây cũng là điều mà TP.HCM rất lưu tâm và CĐS phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Để làm điều đó, trong quá trình tiến đến “TP số”, TP.HCM sẽ lưu ý những giải pháp sau: (i) Tích hợp kỹ năng số vào giáo dục ở cấp tiểu học và trung học; (ii) Đào tạo bổ sung cho lực lượng lao động hiện tại các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết để đảm bảo lực lượng lao động có thể thích nghi với định hướng chiến lược phát triển “TP số”; (iii) Chuyển trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp và đại học từ các kỹ năng đặc thù công việc sang năng lực và khả năng thích ứng; (iv) Tận dụng các Tổ công nghệ số cộng đồng, các chương trình tình nguyện của thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng của người lớn tuổi, người yếu thế.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kien-tao-thanh-pho-so-phat-trien-cong-dan-so-post769638.html