TP.HCM là thủ đô của xuất bản hiện đại

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định TP.HCM đạt nhiều thành tựu trong xuất bản, làm tốt những nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW, trở thành thị trường xuất bản sôi động.

 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu.

Chiều 11/9, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM khảo sát thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo số 19-TB/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Thủ đô của xuất bản hiện đại và xuất bản thị trường

Theo báo cáo của Thành ủy, hiện nay TP.HCM có 2 nhà xuất bản do Thành phố quản lý (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Trẻ); 4 nhà xuất bản thuộc các trường đại học TP.HCM (Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM); 4 văn phòng đại diện nhà xuất bản nước ngoài và 28 chi nhánh nhà xuất bản Trung ương, địa phương tại TP.HCM.

 Từ trái qua: Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu.

Từ trái qua: Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu.

Qua khảo sát, Đoàn công tác ghi nhận Nhà xuất bản Trẻ là mô hình doanh nghiệp nhà nước đứng được trong cơ chế thị trường, với nhiều tác giả, tác phẩm vươn ra thế giới, đoạt giải trong nước, quốc tế. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ xuất bản với công tác sách đặt hàng, đồng thời có lượng khách hàng lớn từ các trường đại học, thư viện trên cả nước.

Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM nổi bật trong việc tham gia làm sách giáo dục, có bộ sách được vinh danh và có ảnh hưởng. Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TP.HCM, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM làm được nhiều đầu sách chuyên ngành, chuyên môn sâu, phục vụ tốt cho từng lĩnh vực.

Ngành in của TP.HCM cũng phát triển song song với xuất bản, hiện TP.HCM có 1.360 doanh nghiệp in, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước. Đoàn công tác nhận xét rằng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngành in vẫn đạt được thành tựu và trụ được trong nền kinh tế thị trường.

TP có tổng số 1.509 thư viện địa phương gồm thư viện tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, thư viện thuộc quản lý của trung tâm văn hóa quận, huyện; thư viện cấp phường, xã và các thư viện lớn như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Thư viện Trung tâm thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trong những năm qua, Thành phố đã có nhiều chương trình, hoạt động để phát triển văn hóa đọc và xây dựng TP thành một trong những thị trường xuất bản phẩm, địa điểm giao lưu văn hóa đọc sôi động trong nước.

Đặc biệt, không chỉ hoàn thành những nội dung của Chỉ thị 42, TP còn đạt được những kết quả vượt bậc sang cả nội dung chưa xuất hiện trong chỉ thị, tiêu biểu là sự thành lập và hoạt động hiệu quả của Đường sách TP.HCM.

Đồng thời, đoàn công tác cũng nhận định TP đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót của xuất bản TP. Song đây cũng là hạn chế lớn của toàn ngành chứ không riêng TP.HCM.

Trăn trở của người làm xuất bản

Một mối quan tâm chung của đại diện các nhà xuất bản là chế tài kiểm soát, ngăn chặn sách giả, sách lậu, cả với sách giấy và sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook). Hiện nay sách giả, sách lậu hoành hành, một phần lớn do sự nở nộ của các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; trong khi chế tài còn tương đối nhẹ nhàng, chưa đủ răn đe.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng kỳ vọng vào những thay đổi, cập nhật trong chính sách về đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản, chính sách về kinh phí cho tái đầu tư sau nộp thuế, các thủ tục hành chính, chủ trương tạo điều kiện cho phát triển sách điện tử, sách nói...

Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM Lê Hoàng kiến nghị đưa đọc sách vào thời khóa biểu chính thức trong trường học (so với những hướng dẫn chưa có nhiều tính ràng buộc như hiện nay), nuôi dưỡng kỹ năng, thói quen đọc sách và niềm tin vào việc đọc cho trẻ từ sớm. Ông cho rằng đây là yếu tố mấu chốt quyết định thành quả của phát triển văn hóa đọc trong những năm tới.

Từ trái qua: Ông Tống Văn Thanh, ông Đỗ Quang Dũng, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu.

Từ trái qua: Ông Tống Văn Thanh, ông Đỗ Quang Dũng, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Duy Hiệu.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Mỹ Linh khen ngợi TP.HCM đạt được nhiều thành quả trong hoạt động xuất bản, xứng đáng với tên gọi thủ đô sách của đất nước, của xuất bản hiện đại và xuất bản thị trường.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh nhấn mạnh rằng xuất bản là một ngành đặc thù, do đó cần những chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho ngành phát triển.

Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy kỳ vọng những cập nhật, đổi mới trong quản lý xuất bản sẽ tạo hành lang pháp lý linh hoạt để các địa phương có thể mạnh dạn đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho phát triển xuất bản; nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ, kỹ thuật số nhiều biến đổi hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh đề xuất TP.HCM báo cáo bổ sung chi tiết hơn, phân tích cụ thể thêm các yếu tố tạo nên thành công của TP.HCM trong việc phát triển ngành xuất bản: cơ quan chủ quản quan tâm và đầu tư quan tâm cho xuất bản như thế nào; kiến tạo môi trường xuất bản, không gian văn hóa đọc ra sao.

Phó chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng mong muốn TP.HCM chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm tạo điều kiện cho phát triển xuất bản điện tử, đồng thời chú trọng giải bài toán nhân lực tại các đơn vị xuất bản. Ngoài ra, ông đề xuất TP.HCM có các chính sách hỗ trợ hội nhập xuất bản, vì để các đơn vị tự bươn chải vươn ra thế giới cũng là công việc tương đối khó khăn.

Khép lại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn Phan Xuân Thủy đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo chỉn chu của các đơn vị xuất bản, phát hành và Đường sách TP.HCM. Qua dịp này, Ban Tuyên giáo và lãnh đạo ngành xuất bản đã trực tiếp được quan sát và đánh giá ngành xuất bản của TP.HCM, làm cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42, cũng như ghi nhận những ý kiến phục vụ cho đề xuất, tham mưu cải cách xuất bản trong những năm tới.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-la-thu-do-cua-xuat-ban-hien-dai-post1497154.html