TP.HCM làm cách nào để thu được 1.500 tỷ đồng mỗi năm từ vỉa hè?

Bài toán thu - chi ngân sách, nhân sự thực hiện, tính minh bạch trong việc thu phí được nhiều chuyên gia nêu ra xoay quanh đề án thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường.

 Cửa hàng kinh doanh ôtô để 6 xe hơi đậu chiếm trọn vỉa hè Trần Hưng Đạo, quận 1, hôm 9/6 và bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt. Ảnh: M.H.

Cửa hàng kinh doanh ôtô để 6 xe hơi đậu chiếm trọn vỉa hè Trần Hưng Đạo, quận 1, hôm 9/6 và bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt. Ảnh: M.H.

Sở GTVT TP.HCM dự kiến thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và dùng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí. Việc này có thể đem lại nguồn thu ngân sách cho thành phố hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra góp ý trong Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, ngày 13/6.

Xây dựng lực lượng quản lý thu phí vỉa hè

Ông Phạm Văn Phố, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6, cho hay việc tạo nguồn thu ngân sách từ lòng đường, vỉa hè không nên là yếu tố được quan tâm hàng đầu, mà phải xem xét ở nhiều góc độ. Tính minh bạch, công bằng trong việc thu phí cần được thực hiện chặt chẽ mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.

 Ông Phạm Văn Phố, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 cho rằng tính minh bạch, công bằng trong việc thu phí vỉa hè cần được thực hiện chặt chẽ mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Ảnh: Anh Nhàn.

Ông Phạm Văn Phố, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 cho rằng tính minh bạch, công bằng trong việc thu phí vỉa hè cần được thực hiện chặt chẽ mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Ảnh: Anh Nhàn.

"Mục đích của việc thu phí vỉa hè là tăng tính quản trị của chính quyền. Ở góc độ phát triển kinh tế, phải quan tâm đến doanh nghiệp, hộ dân trực tiếp kinh doanh hoặc cho thuê nhà, người buôn bán hàng rong, hộ kinh doanh nhỏ lẻ", ông Phố đưa ra quan điểm.

Theo ông, cũng cần xem xét yếu tố văn hóa, trong đó có tính cách văn hóa của người dân TP.HCM khi ứng xử với lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó là yếu tố trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.

Bà Hoàng Thị Lợi, Phó ban tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1, dẫn chứng việc lấn chiếm lòng lề đường xảy ra thường xuyên tại TP.HCM, dù chính quyền nhiều đợt ra quân dẹp vỉa hè.

Do đó, việc thu phí vỉa hè được nhiều người dân đồng tình. Tuy vậy, bà Lợi bày tỏ băn khoăn về việc phân cấp quản lý và xây dựng lực lượng quản lý thu phí.

"Cán bộ công chức, viên chức ở các phường hiện nay nhận mức lương không cao, lực lượng lại mỏng do tinh giản biên chế. Khi có đề án thu phí vỉa hè, nên tính thêm chi phí cho những người này", bà Lợi nói.

Bà còn đề xuất cơ quan chức năng ưu tiên cho người dân ngay tại địa phương được thuê vỉa hè, lòng đường. Việc này giúp cơ quan chức năng dễ quản lý. Ngược lại, người dân ở khu vực khác tới kinh doanh khi xảy ra sai phạm sẽ khó quản lý hơn.

"Mức thu phí vỉa hè, lòng đường dành cho giữ xe được đề xuất 50.000-350.000 đồng/m2/tháng là quá thấp, trong khi giá giữ xe tại TP.HCM, đặc biệt là các quận khu trung tâm rất cao. Do đó, tôi đề nghị tăng mức phí giữ xe", bà Lợi đề xuất.

Dùng tiền thu phí cải tạo hạ tầng

Đưa ra con số thống kê, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh, cho rằng nếu chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường trong số 12 triệu m2 vỉa hè, với giá 100.000 đồng/tháng/m2, thành phố có thể thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng.

"Thành phố nên đưa ra giải pháp thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe. Đây chiến lược lâu dài, giải quyết được bài toán quá tải hạ tầng đang quá tải hiện nay", bà Sáu cho hay.

Song song đó, bà Sáu đề xuất nguồn thu nên sử dụng vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan đô thị... tại tuyến đường thu phí. Việc này giúp người dân thấy được hiệu quả rõ rệt từ đề án.

Đồng thời, thành phố nên giao cho một đơn vị thực hiện thu phí vỉa hè, nhằm quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo khi thực hiện. Không nên phân cấp cho chính quyền quận, huyện thu phí, bởi ngân sách Nhà nước phải “nuôi” thêm bộ phận không nhỏ phục vụ công tác này.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, nhìn nhận cần tính toán kỹ việc thu chi từ nguồn thu phí vỉa hè, lòng đường.

 Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Nhàn.

Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Nhàn.

“Đã tính được phần thu thì cũng phải tính được phần chi cho rõ ràng. Chúng tôi đề xuất các địa phương được giữ lại một phần thu để duy trì hoạt động, thay vì nộp toàn bộ về ngân sách thành phố”, luật sư Hòa nêu ý kiến.

Kết luận hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nói đề án được xây dựng sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, mô hình từ các thành phố lớn trong nước và nước ngoài về quản lý vỉa hè, văn hóa đô thị. Tiếp thu góp ý, ông Lâm cho biết sở sẽ bổ sung quy định quản lý lòng đường, vỉa hè để làm rõ trong dự thảo.

"Sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi lẫn mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố. Mức phí và mức thu này hoàn toàn có căn cứ, cơ sở để trình HĐND ban hành toàn diện", ông Lâm nói.

Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/tphcm-lam-cach-nao-de-thu-duoc-1500-ty-dong-moi-nam-tu-via-he-post1439449.html