TP HCM: Lan tỏa nhiều phong trào, mô hình hay
Sáng 31-3, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 - 2020.
Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP, đánh giá sau 20 năm, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có bước phát triển nhất định. Chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú; nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm, gìn giữ; các quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành; từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn dân cư.
TP đã có nhiều phong trào, mô hình hay, ý nghĩa quan trọng, như: Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", giai đoạn 2000-2020 đã có hơn 20 triệu lượt gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến", qua 20 năm đã tuyên dương hơn 5.400 gương người tốt, việc tốt cấp TP; 600.000 gương người tốt, việc tốt cấp quận, huyện, phường xã.
Việc đoàn kết giúp nhau "xóa đói giảm nghèo" cũng là một điểm sáng của TP trong phong trào. Thời gian qua, TP đã hỗ trợ 1 triệu lượt hộ vay vốn, đào tạo nghề cho hơn 196.000 lượt lao động, giải quyết việc làm cho hơn 431.000 lượt lao động, đã mua cấp 4.495.807 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo. Thông qua phong trào đã khơi gợi được tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư… tạo thành sức mạnh và hợp lực nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí, góp phần đưa TP HCM trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" qua 20 năm đã bao quát nhiều lĩnh vực, gồm 5 nội dung chính và 7 phong trào lớn. TP luôn xác định phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người TP.
Ông đánh giá trải qua 20 năm, phong trào ở cơ sở ngày càng phát triển cả số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Từ cá nhân, gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu xây dựng con người văn hóa, lấy đó làm động lực thúc đẩy, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.
Để phong trào thật sự là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có việc triển khai thực hiện tốt "Chiến lược phát triển văn hóa TP HCM đến năm 2035". Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các danh hiệu nói chung, danh hiệu gia đình nói riêng. Ban Chỉ đạo phong trào cấp TP và tại địa phương cần nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm để từ đó tiếp tục đưa phong trào phát triển đi vào chiều sâu.
Dịp này, UBND TP HCM trao tặng bằng khen cho 97 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.