TP.HCM lấy ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đặt tên cầu Ba Son, Thủ Thiêm

Trong đó, địa danh Thủ Thiêm đặt tên cho cây cầu nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). Còn địa danh Ba Son đặt tên cho cây cầu nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức).

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (cơ quan thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường Thành phố) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đề nghị Thành phố lấy ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.

Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, vào ngày 8.11.2022, Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM đã họp cho ý kiến về việc đặt tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn với sự có mặt 16/18 thành viên.

100% thành viên đồng ý với việc đặt tên địa danh Thủ Thiêm cho cây cầu nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức).

Đặt tên địa danh Ba Son cho cây cầu nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức).

Cầu Thủ Thiêm 2 được đề xuất đổi tên thành cầu Ba Son. Ảnh: Trung Dũng

Cầu Thủ Thiêm 2 được đề xuất đổi tên thành cầu Ba Son. Ảnh: Trung Dũng

Theo Sở Văn hóa và Thể thao việc đề xuất này là theo căn cứ Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng quy định: “...Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với đô thị loại đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ Văn hóa - Thông tin trước khi trình Hội đồng nhân dân xem xét ra Nghị quyết”.

Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã có đề xuất về việc đổi tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, gửi đến các cơ quan liên quan để lấy ý kiến. Cụ thể, trong văn bản số 4602, cầu Thủ Thiêm 2 được được cơ quan này đề xuất mang tên Ba Son.

Ba Son là tên gọi từ năm 1790, khi Chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng “Xưởng thủy” bên bờ sông Saigon.

Khi Pháp xâm lược nước ta đã xây dựng ở đây một cơ sở tàu biển quân sự và làm dịch vụ hàng hải, bởi Sài Gòn có vị trí rất quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế.

Nhà máy đóng tàu Ba Son sau hơn 150 năm hiện diện cạnh sông Sài Gòn (1863 - 2016) đã bị phá dỡ để thay bằng khu đô thị cao tầng. Ảnh: CT.V

Nhà máy đóng tàu Ba Son sau hơn 150 năm hiện diện cạnh sông Sài Gòn (1863 - 2016) đã bị phá dỡ để thay bằng khu đô thị cao tầng. Ảnh: CT.V

Khu Ba Son tọa lạc ở số 2 đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam; một trong những cái nôi của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản Việt Nam. Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia.

Cầu Thủ Thiêm 1 được đề xuất tên Thủ Thiêm. Ảnh tư liệu: PLO

Cầu Thủ Thiêm 1 được đề xuất tên Thủ Thiêm. Ảnh tư liệu: PLO

Ngoài cầu Thủ Thiêm 2, cây cầu khác bắc qua sông Sài Gòn ở gần đó là cầu Thủ Thiêm 1 cũng được đề xuất tên gọi mới là Thủ Thiêm.

Tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này được giải thích như sau: Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị hành chính nào đó, giống như thủ lĩnh, thủ thư, thủ tướng... Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Có thể do người chỉ huy đồn binh tên là Thêm nên dân gian quen gọi đồn binh đó là Thủ Thiêm và sau đó tên này trở thành tên của vùng đất.

Năm 1837, dưới triều vua Minh Mạng, huyện Nghĩa An, tỉnh Biên Hòa được thành lập, Thủ Thiêm thuộc huyện Nghĩa An.

Năm 1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và Pháp. Trong đó, Thủ Thiêm thuộc hạt Nghĩa An. Năm 1868, hạt Nghĩa An đổi thành hạt Thủ Đức và sau đó hạt Thủ Đức bị bỏ và sáp nhập vào hạt Sài Gòn.

Năm 1967, cùng với xã An Khánh, khu vực Thủ Thiêm được cắt về quận 1 thuộc đô thành Sài Gòn. Tiếp đó chính quyền Sài Gòn thành lập thêm quận 9 thuộc đô thành Sài Gòn trên cơ sở 2 xã An Khánh và Thù Thiêm. Cho đến năm 1976, xã Thủ Thiêm thuộc quận 9, đô thành Sài Gòn.

Ngày 2.7.1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia định là thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). TP.HCM bao gồm 11 quận của đô thành Sài Gòn cũ và toàn tỉnh Gia Định. Địa bàn xã Thủ Thiêm thuộc huyện Thủ Đức.

Ngày 6.1.1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 03/CP về chia tách và thành lập mới các quận. Phường Thủ Thiêm được thành lập trên cơ sở tác một phần diện tích của xã Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức trước đây.

Như vậy, có thể nói địa danh Thủ Thiêm được người dân gọi từ thế kỷ XVIII và đến nay là tên địa danh trong địa bàn quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức). Đặc biệt tên này được đặt cho dự án khu đô thị mới cho bán đảo Thủ Thiêm.

Thời điểm cuối tháng 4.2021, Sở Văn hóa và Thể thao cũng (lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thành Phong) về việc xem xét đặt tên 4 cây cầu Thủ Thiêm trên địa bàn. Trong đó, ngoài cầu Thủ Thiêm 1 được đề xuất đặt tên Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 tên Bason thì còn có cầu Thủ Thiêm 3 đặt tên Thủ Ngữ và cầu Thủ Thiêm 4 tên Bến Nghé...

Ngô Gia

Cầu Thủ Thiêm 1 có tổng số vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, tổng chiều dài lên đến 1,2km gồm 6 làn xe, 5 nhịp cầu. Cầu được hoàn thành từ cuối 2007, điểm đầu tại nút giao giữa đường Ngô Tất Tố - Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh), điểm cuối kết nối với đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức).

Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM, đã chính thức được khánh thành vào sáng 28.4.2022 sau 7 năm xây dựng.

Cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cây cầu sẽ là biểu tượng mới của TP.HCM được thiết kế kế có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài gần 1,5 km được khởi công từ năm 2015. Phần cầu dài 885 m được thiết kế là cầu dây văng, với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.

Sau khi đưa vào hoạt động, cầu Thủ Thiêm 2 đã thu hút được nhiều người dân đến tham quan, check-in. Tuy nhiên, chỉ sau ít tháng khánh thành, cây cầu đã bị bôi bẩn bởi các hình phun sơn nguệch ngoạc gây mất mỹ quan đô thị. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng xử lý...

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-lay-y-kien-bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-ve-viec-dat-ten-cau-ba-son-thu-thiem-37281.html