TP.HCM: Lấy ý kiến quy định mới về tách, hợp thửa đất theo Luật Đất đai 2024

Sở TN&MT đã gửi văn bản đề nghị các sở ngành liên quan góp ý vào dự thảo quyết định mới về điều kiện và diện tích tối thiểu cho việc tách và hợp thửa đất theo từng loại đất trên từng địa bàn.

Trước diễn biến phát triển của đô thị và nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao, TP.HCM đang dần chuyển mình trong việc cải thiện quản lý đất đai và đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã đưa ra đề xuất điều chỉnh và bổ sung các quy định về tách và hợp thửa đất theo hướng dẫn của Luật Đất đai 2024. Đây là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quản lý đất đai của địa phương.

 Sở TN&MT TP.HCM đưa ra đề xuất điều chỉnh và bổ sung các quy định về tách, hợp thửa đất theo Luật Đất đai 2024.

Sở TN&MT TP.HCM đưa ra đề xuất điều chỉnh và bổ sung các quy định về tách, hợp thửa đất theo Luật Đất đai 2024.

Luật Đất đai 2024 đưa ra nhiều quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình tách, hợp thửa đất. Tuy nhiên, việc “quy hoạch xây dựng” không được đề cập đến trong quy định giải quyết tách, hợp thửa đất đã gây ra một số bất tiện trong thực tiễn.

Sở TN&MT TP.HCM đã đề xuất các đơn vị có liên quan cùng thảo luận về việc bổ sung nội dung quy hoạch xây dựng vào các quy định về tách, hợp thửa đất. Việc này giúp đảm bảo mọi hoạt động liên quan đến đất đai được thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, tránh các tranh chấp pháp lý và bảo vệ môi trường đô thị.

Một vấn đề khác được đặt ra là khái niệm “lối đi”. Theo Luật Đất đai 2024, mặc dù quy định về “lối đi” đã được đề cập nhưng lại không giải thích chi tiết về khái niệm này. Trong khi đó, theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, “lối đi” được định nghĩa là do các bên thỏa thuận tự thỏa thuận về các yếu tố vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi.

Sở TN&MT TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan cùng tham gia vào việc đề xuất giải thích rõ ràng hơn về khái niệm “lối đi”, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện các thủ tục tách và hợp thửa đất. Đặc biệt, việc kết nối “lối đi” với đường giao thông công cộng hiện có là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn và tiện ích cho cư dân địa phương.

 Các đơn vị liên quan đóng góp ý kiến trước ngày 30/7/2024 để hoàn thiện và điều chỉnh quy định.

Các đơn vị liên quan đóng góp ý kiến trước ngày 30/7/2024 để hoàn thiện và điều chỉnh quy định.

Ngoài các điều kiện về quy hoạch xây dựng và khái niệm “lối đi”, Sở TN&MT TP.HCM cũng nêu ra vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách, hợp thửa đất. Quyết định số 60/2017 của UBND TP.HCM đã quy định rõ ràng diện tích tối thiểu cần thiết cho từng loại đất.

Theo đó, diện tích tối thiểu được tách thửa, đối với đất ở, thửa đất ở mới hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa (đã trừ phần diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông không phù hợp quy hoạch) phải đảm bảo diện tích tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m, áp dụng tại khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú.

Đối với khu vực 2 gồm các quận: 7, 12, Bình Tân, TP.Thủ Đức và thị trấn các huyện, diện tích tối thiểu là 50m2 và có chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m.

Đối với khu vực 3 gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn) diện tích tối thiểu là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.

Đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau tách thửa phải đạt diện tích 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000m2 với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Sở TNMT TP.HCM đặt ra câu hỏi liệu có cần thiết tiếp tục giữ nguyên các quy định về diện tích tối thiểu như Quyết định số 60/2017 hay nên điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024. Đồng thời, Sở cũng kêu gọi các đơn vị liên quan đưa ra ý kiến và cung cấp căn cứ pháp lý để hỗ trợ quyết định cuối cùng. Ý kiến của các bên được yêu cầu gửi lại trước ngày 30/7/2024 để Sở có thể xem xét và điều chỉnh phù hợp nhất.

Văn Dũng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-lay-y-kien-ve-quy-dinh-moi-ve-tach-hop-thua-dat-theo-luat-dat-dai-2024-90749.html