Tp.HCM lên phương án gắn chip để quản lý chó, mèo tại cộng đồng

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Tăng cường giải pháp quản lý chó, mèo

Cuối tháng 4/2024, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo các văn bản quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2018 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tập huấn công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của UBND cấp xã.

Hiện việc thành lập tổ bắt chó thả rông cũng như công tác bắt chó thả rông do UBND các xã triển khai thực hiện dựa trên kế hoạch của UBND quận, huyện ban hành.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố có 79/322 xã, phường thành lập tổ bắt chó thả rông. Người dân khi phát hiện chó thả rông khu vực nào có thể liên hệ UBND phường, xã nơi đó để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mức phạt từ 1-2 triệu đồng đối với các hành vi: không tiêm phòng vaccine phòng dại cho động vật nuôi, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng trong thời điểm hiện nay tương đối phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.

Ngoài ra, chủ vật nuôi chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Trả lời về đề xuất gắn chip để quản lý chó, mèo, ông Dũng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tờ trình về việc đề nghị xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trình UBND Thành phố để xin chủ trương, trong đó có nội dung khuyến khích việc gắn chíp để thuận tiện trong quản lý, truy xuất các thông tin liên quan như chủ vật nuôi, lịch sử tiêm phòng, giống…

Nếu quy định tạm thời này được UBND Thành phố thông qua thì Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm tại một số khu vực nhất định trong nội thành, sau đó tiến hành đánh giá về hiệu quả và khuyến khích các hộ nuôi chó mèo trên địa bàn thành phố gắn chíp, đặc biệt là các hộ nuôi chó, mèo cảnh có giá trị.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được gần 106.000 hộ gia đình nuôi dưỡng. Trong đó, tỷ lệ vật nuôi ở 5 huyện ngoại thành chiếm khoảng 34%, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 1,74 con. Trong đó, chó lai trên 29.000 con chiếm gần 16% tổng đàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người dân hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó Pit Bull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil).

Tạo sự đồng thuận trong người dân

Những đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự đồng tình của dư luận và các chuyên gia chăn nuôi, thú y.

PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc gắn chip trên chó, mèo nuôi không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thực hiện gắn chip trên chó, mèo từ nhiều năm trước.

“Một số nước đã đưa việc gắn chip vào trong luật, tức là bắt buộc phải thực hiện. Bởi khi chó, mèo nuôi được gắn chip, sẽ giúp cho việc quản lý đàn chó, mèo được tốt hơn và công tác phòng chống bệnh dại trên chó, mèo có hiệu quả hơn”, ông Thông nói.

Chính vì vậy, PGS.TS Lê Quang Thông rất đồng tình với đề xuất gắn chip cho chó, mèo nuôi. Ông cho rằng trước mắt, nên mạnh dạn thực hiện thí điểm gắn chip cho chó, mèo nuôi ở những thành phố lớn. Địa phương nào thực hiện thí điểm gắn chip cần thông tin, truyên truyền khuyến cáo với những người chủ nuôi chó, mèo để họ hiểu và có ý thức chủ động đưa chó, mèo đi gắn chip.

Về đề xuất chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký định vật nuôi với UBND cấp xã, PGS.TS Lê Quang Thông gợi ý nên tổ chức đăng ký online để giảm sự phiền hà, tạo sự thuận lợi, thoải mái nhất cho các chủ nuôi chó, mèo. Khi ấy, người dân sẽ rất sẵn sàng và ủng hộ việc đăng ký, kê khai định kỳ chó, mèo nuôi.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh bình luận, đề xuất về việc gắn chip điện tử để quản lý chó, mèo là khá cần thiết, tiện lợi. Nếu áp dụng các biện pháp quản lý bằng công nghệ thì rất có ích trong việc theo dõi tình trạng chó, mèo như lịch tiêm chủng, sổ khám bệnh..., cũng như hạn chế được việc thất lạc vật nuôi.

Việc gắn chip cho chó, mèo cũng giúp cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được chủ vật nuôi đang thả rông để thông báo, xử lý vụ việc. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp quản lý đàn vật nuôi cũng cần thiết để bảo đảm không gian chung cho những người xung quanh

“Tuy nhiên, việc quản lý vật nuôi bằng công nghệ cũng cho thấy nhiều hạn chế. Thứ nhất, xét về chi phí, không phải ai cũng có khả năng đáp ứng việc gắn chip điện tử cho vật nuôi. Thứ hai, khi gắn, liệu chip có phù hợp với mọi loại chó, mèo hay không vì cơ địa mỗi con vật sẽ khác nhau”, ông Hùng băn khoăn.

Thêm nữa, khi gắn chip cho chó, mèo thì song song đó phải có nhiều máy quét, đọc dữ liệu. Nếu thông tin của chủ vật nuôi không chính xác hay không được cập nhật thường xuyên; không có một cơ sở dữ liệu về vật nuôi rộng lớn thì chip gắn sẽ không có giá trị. Hơn nữa, việc gắn chip còn tùy thuộc vào ý thức của người dân và quyết tâm giải quyết triệt để, áp dụng mạnh tay quy định pháp luật của chính quyền.

Anh Dương Kiên Trung, Giám đốc công ty TNHH Thú cưng Lê Trung cho hay việc cấy microchip vào thú cưng thực hiện đơn giản, nhanh chóng. Chip chỉ nhỏ bằng hạt gạo, được cấy dưới da của chó, mèo, thường ở vị trí bả vai. Tại công ty anh Trung, chip khi được cấy vào thú cưng sẽ có giấy chứng nhận, mã chip và thông tin tần số để máy quét đọc.

“Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay phần lớn người nuôi chó, mèo chưa quan tâm, ít có nhu cầu gắn microchip. Việc gắn microchip là một trong những thủ tục bắt buộc để thú cưng được xuất cảnh, di chuyển bằng máy bay. Thế nên chỉ khi có nhu cầu này, chủ nuôi mới tìm đến dịch vụ”, anh Trung cho hay.

Không thể phủ nhận nhu cầu nuôi thú cưng bầu bạn ngày càng nhiều. Nhưng ở những đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, không gian công cộng không đủ rộng, mật độ dân sống ở chung cư cao. Việc nuôi thú cưng dễ dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề, mâu thuẫn với những người xung quanh. Đặc biệt là tình trạng phóng uế bừa bãi, gây ồn, thả rông có nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dại.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-len-phuong-an-gan-chip-de-quan-ly-cho-meo-tai-cong-dong-a661046.html