TP HCM: Lượng rác thải tăng cao, mỗi ngày gần 11.000 tấn
Khối lượng thu gom, xử lý rác thải ước thực hiện trong tháng 2 là 318.000 tấn, trung bình 10.965 tấn/ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM được giao xây dựng đề án về việc điều chỉnh phương thức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Trong đó, đề án cần tính toán chi tiết lộ trình cụ thể, bước đi phù hợp, phân công rõ ràng, có các chính sách đính kèm theo để tổ chức phù hợp.
Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM tổ chức phân loại rác thải tại nguồn theo 2 loại là nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Thành phố đang thay đổi cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cụ thể, nhóm chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện các phương án triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo 3 phương án.
Thứ nhất, UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ theo mức giá bình quân chung trên địa bàn thành phố để các địa phương áp dụng hoặc xây dựng, trình UBND TP HCM ban hành giá cụ thể tại địa phương.
Thứ hai, địa phương tự xây dựng và trình UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ áp dụng.
Thứ ba, UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ với phương thức mức giá bình quân theo hướng phân vùng để áp dụng cho từng khu vực có tính chất tương đồng.
Tháng 2-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện nội dung phương án giá cụ thể theo chỉ đạo của UBND TP HCM và gửi các đơn vị liên quan có ý kiến.
Lượng rác thải sinh hoạt tại thành phố có chiều hướng tăng. Cụ thể, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ước thực hiện từ ngày 1 đến 29-2 là 318.000 tấn, trung bình là hơn 10.965 tấn/ngày, tăng 48.700 tấn so với cùng kỳ năm 2023.